Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022, cơ hội thể hiện sức mạnh của Trung Quốc
'Thông điệp giờ đây là Trung Quốc đã trở thành một siêu cường. Thế giới hãy làm quen với điều đó'...
Sân vận động quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa đông 2022 - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Đối với Trung Quốc, việc đăng cai Thế vận hội (Olympic) mùa hè 2008 là một cơ hội để chứng tỏ rằng nước này hoàn toàn có thể sánh vai với các cường quốc toàn cầu. Giờ đây, khi thế giới hướng về lễ khai mạc Olympic mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, tâm điểm của sự chú ý sẽ là một Trung Quốc rất khác – hãng tin Bloomberg nhận định.
2008 là thời điểm mà Trung Quốc vừa vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc ở thời điểm đó vẫn kém Nhật Bản và chỉ bằng 1/3 so với Mỹ. Hiện nay, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật và đang trên đà chiếm lấy vị trí số 1 của Mỹ. Nếu Bắc Kinh thành công trong việc triển khai các biện pháp cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden gặp trở ngại, kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ sớm nhất vào năm 2031 – theo dự báo của Bloomberg Economics.
“Vào năm 2008, Trung Quốc khao khát thể hiện một vị thế bị đẳng trên trường quốc tế”, giáo sư lịch sử Xu Guoqi thuộc Đại học Hồng Kông nhận định. “Thông điệp giờ đây là Trung Quốc đã trở thành một siêu cường. Thế giới hãy làm quen với điều đó”.
Các nước phương Tây cũng đã góp phần vào việc củng cố sự tự tin của Trung Quốc. Ba tuần sau lễ bế mạc Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ nộp đơn xin phá sản, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây chao đảo các nền kinh tế trên thế giới, và Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Khoảng 20 triệu lao động nhập di cư của Trung Quốc mất việc làm, buộc Chính phủ nước này phải triển khai một gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 630 tỷ USD vào tháng 11/1998.
Gói kích cầu đó, cùng với việc các ngân hàng quốc doanh nước này đẩy mạnh cấp vốn tín dụng, đã đưa Trung Quốc thay Mỹ trở thành đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới trong 15 năm sau đó. Dù kinh tế thế giới đã hồi phục sau khủng hoảng tài chính, cái nhìn của Trung Quốc về phương Tây đã thay đổi hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng tài chính “đã phá tan” bất kỳ ảo tưởng nào cho rằng hệ thống của phương Tây là “gần như hoàn hảo” – theo ông Henry Wang, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa vào năm 2008 và giữ vai trò một cố vấn của nội các Trung Quốc.
Bên ngoài sân vận động quốc gia ở Bắc Kinh Trung Quốc trong Thế vận hội mùa hè 2008 - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Đối với nhiều quốc gia, việc đăng cai Thế vận hội không còn xứng với chi phí và những khó khăn mà họ phải đương đầu, thậm chí từ trước khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi quy định về những cuộc tụ tập quy mô lớn. Nhưng sự hưng phấn với những cuộc thi đấu quốc tế lớn và tốn kém vẫn chưa hề suy giảm ở những nước như Nga, Qatar và Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng những quốc gia này muốn nhân thiện chí và hưng phấn mà các đại hội thể thao tạo ra để nâng tầm uy tín của đất nước.
Để trở thành chủ nhà của Thế vận hội 2008, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã vượt qua các đối thủ gồm Istanbul, Osaka, Paris và Toronto. Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để chứng tỏ sự nghiêm túc khi gánh vác trách nhiệm toàn cầu. Chính phủ nước này đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Sudan, mời phái viên của Đạt Lai Lạt Ma tới Bắc Kinh để đàm phán, và mở chặn những trang web bị kiểm duyệt trước đó, bao gồm website của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) và tổ chức Ân xá Quốc tế (AI).
Với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, đối thủ cạnh tranh duy nhất của Trung Quốc là Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan và là nơi gần đây chìm trong biểu tình bạo lực chống chính phủ. Oslo của Na Uy rời khỏi cuộc đua vì Quốc hội nước này từ chối cấp ngân sách đăng cai sự kiện. Stockholm của Thụy Điển và Krakow của Ba Lan cũng rút khỏi cuộc chạy đua đăng cai, trong khi trưng cầu dân ý ở Munich, Đức và St. Moritz, Thụy Sỹ không cho phép các thành phố này chạy đua đăng cai.
“Nếu các thành phố ở châu Âu với truyền thống hùng mạnh về các môn thể thao mùa đông không từ bỏ cuộc đua giành quyền đăng cai, Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp khó. Việc Trung Quốc giành quyền đăng cai sự kiện này, có thể nói là một ‘món quà’ của các nước phương Tây”, giáo sư Xu nhận định.
Trước Thế vận hội mùa hè 2008, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lập luận rằng trao quyền đăng cai cho Bắc Kinh sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến tới hội tụ với phương Tây trong những vấn đề như nhân quyền. Nhưng không phải như vậy, sự bất đồng giữa Trung Quốc với phương Tây vẫn lớn như đã từng trong những vấn đề gai góc như Hồng Kông và Tân Cương.
Phát biểu trước một nhóm nhà báo ở Washington hồi tháng 12, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang gọi những cáo buộc mà Washingotn nhằm vào Bắc kinh trong nhẵng năm gần đây là “một cuộc tấn công dữ dội”. Ông nói “Mỹ đang cố gắng huy động đồng minh để loại Trung Quốc khỏi hệ thống quốc tế”.
Du khách chụp ảnh với linh vật của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Thay vì lùi bước trước sức ép của phương Tây, Trung Quốc đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn. Chẳng hạn, các nhà ngoại giao của nước này sẵn sàng “đấu khẩu” với các nhà báo và quan chức chính phủ nước ngoài. Khi Tổng thống Biden chủ trì một sự kiện trực tuyến với sự tham gia của quan chức đến từ hơn 100 chính phủ, với chủ đề “Thượng đỉnh dân chủ”, Trung Quốc đáp trả ngay bằng một chiến dịch truyền thông. Vài ngày trước sự kiện, Bắc Kinh công bố sách trắng lập luận rằng Trung Quốc là một “nền dân chủ hiệu quả”, tiếp đó cũng tổ chức một diễn đàn về dân chủ với sự tham gia của các diễn ra trong và ngoài nước.
“Thay vì nói rằng ‘ồ, các ông là một nền dân chủ, thì chúng tôi là một nền chuyên chế’, Trung Quốc nói: ‘không, chúng tôi cũng là một nền dân chủ’… Để xem bên nào tốt hơn. Đó là cách đúng để cạnh tranh”, ông Wang phát biểu.
Và với sự trở lại của Thế vận hội ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã sẵn sàng để cạnh tranh.