Olympic Paris 2024: Các đột phá công nghệ đang thay đổi thế giới thể thao

Từ các lớp không khí được tích hợp trên đường chạy, đến ứng dụng kính thực tế ảo trong bơi lội, công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây.

Matthew Temple của đội tuyển Australia thi đấu ở nội dung 100m bướm nam trong Giải bơi lội thử nghiệm Australia tại Trung tâm thể thao dưới nước Brisbane (Ảnh: AFP)

Matthew Temple của đội tuyển Australia thi đấu ở nội dung 100m bướm nam trong Giải bơi lội thử nghiệm Australia tại Trung tâm thể thao dưới nước Brisbane (Ảnh: AFP)

Olympic là nơi những kỳ tích thể thao xảy ra và các vận động viên phá vỡ những kỷ lục từng được coi là không thể chạm tới. Nhưng những thành tựu này không chỉ dựa vào tài năng và sự nỗ lực của vận động viên, mà còn do sự xuất hiện của công nghệ tiên tiến, thứ đang mở ra những khả năng mới cho thế giới thể thao hiện đại.

Dưới đây là một số đổi mới công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng tại Paris, giúp vận động viên nhanh hơn, khỏe hơn và bứt phá hơn.

 Một nhân viên của Mondo làm việc trong quá trình sản xuất đường đua điền kinh Thế vận hội Paris tại phòng thí nghiệm R&D và sản xuất của Tập đoàn Mondo ở Alba, tây bắc Italy (Ảnh: AFP)

Một nhân viên của Mondo làm việc trong quá trình sản xuất đường đua điền kinh Thế vận hội Paris tại phòng thí nghiệm R&D và sản xuất của Tập đoàn Mondo ở Alba, tây bắc Italy (Ảnh: AFP)

Sân chạy thế hệ mới

Tại Olympic Paris năm nay, bề mặt sân chạy không chỉ đơn thuần là cao su với màu sơn độc đáo, mà còn là kết quả của việc áp dụng nhiều thuật toán và kiểm tra toàn diện.

Mondo, công ty cung cấp dịch vụ sân cho mỗi kỳ Olympic mùa hè kể từ năm 1976, đã có những cải tiến cho sản phẩm của mình. Một thế hệ mới của hạt granules được ứng dụng cho lớp bề mặt sân giúp làm cải thiện độ đàn hồi và độ kết dính của sân chạy.

Các nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện nhiều bài kiểm tra để tìm ra hình dạng và kích thước tối ưu cho các lớp khí bên trong sân, nhằm giảm thiểu lực tác động lên chân và cơ thể, từ đó nâng cao hiệu suất.

3 kỷ lục thế giới và 12 kỷ lục Olympic đã bị phá vỡ tại Tokyo cách đây 3 năm. Liệu sân chạy tại Stade de France có thể giúp các vận động viên thiết lập thêm nhiều kỷ lục mới trong năm nay?

 Đồ bơi mới nhất của Speedo sử dụng công nghệ được thiết kế ban đầu để phủ các vệ tinh (Ảnh: Speedo)

Đồ bơi mới nhất của Speedo sử dụng công nghệ được thiết kế ban đầu để phủ các vệ tinh (Ảnh: Speedo)

Những bộ đồ bơi thời đại “không gian"

Thiết kế của Speedo, lấy cảm hứng từ cấu trúc da cá mập, từng gây tranh cãi vì khả năng giúp các vận động viên bơi nhanh đến mức đáng ngờ. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, 23 trong số 25 kỷ lục bơi lội được thiết lập bởi các vận động viên mặc LZR Racer, một bộ đồ bơi toàn thân giúp giảm ma sát với da.

Tổ chức quản lý môn thể thao này cho rằng sự lợi thế đó quá lớn và đã đưa ra những hạn chế về đồ bơi, như độ dài tiêu chuẩn hay loại vải được sử dụng.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản đội ngũ nghiên cứu và phát triển của Speedo. Trước thềm Olympic Paris, họ đã cho ra mắt bộ đồ bơi được ứng dụng thứ công nghệ tối tân vốn được dùng để bảo vệ các vệ tinh trong không gian.

Theo Speedo, các bộ đồ bơi này làm giảm tối đa khả năng hấp thụ nước và có thời gian chống thấm nước lâu nhất, giúp vận động viên cảm thấy gần như không trọng lượng khi ở trong hồ bơi.

 Eliud Kipchoge của Kenya vượt qua vạch đích trong nỗ lực chạy marathon trong vòng chưa đầy 2 giờ (Ảnh: Reuters)

Eliud Kipchoge của Kenya vượt qua vạch đích trong nỗ lực chạy marathon trong vòng chưa đầy 2 giờ (Ảnh: Reuters)

Giày siêu công nghệ

Khi Eliud Kipchoge trở thành người đầu tiên hoàn thành một cuộc chạy marathon dưới 2 giờ đồng hồ vào năm 2019, sự chú ý của thế giới đã đổ dồn vào đôi giày siêu công nghệ có tấm carbon của Nike.

Dù thành tích của anh không được công nhận là kỷ lục thế giới do sự đặc thù của sự kiện đó, nhưng nó đã cho thấy tiềm năng nâng cao hiệu suất của các vận động viên chạy, đặc biệt là trong các cuộc đua đường dài.

Đây chỉ là một trong những cuộc chiến công nghệ giữa các thương hiệu trong vài thập kỷ qua. Các công ty hàng đầu như Adidas và Nike đã đầu tư đáng kể vào việc giúp vận động viên chạy nhanh hơn.

Bí mật đằng sau hầu hết những đôi giày này là một tấm carbon sợi được tích hợp trong đế giữa, giúp vận động viên tiết kiệm năng lượng và duy trì tốc độ cao trong thời gian dài hơn. Một số đôi giày còn có lớp đệm bằng xốp, cung cấp khả năng hoàn trả năng lượng tốt và giảm tác động lên chân và bàn chân.

Với Paris 2024 đang đến gần, Nike và Adidas đã ra mắt những đôi giày mới với công nghệ tiên tiến nhất. Nike Alphafly 3, phiên bản cập nhật từ đôi giày phá kỷ lục của Kipchoge, có tấm carbon rộng hơn và êm hơn. Trong khi đó, Adizero Adios Pro Evo 1 của Adidas chỉ nặng 138 gram, nhẹ hơn 40% so với bất kỳ đôi giày nào khác mà Adidas từng tạo ra.

Huấn luyện bởi bằng công nghệ VR

Đối với các vận động viên bơi lội tham gia các sự kiện tiếp sức, việc đổi lượt là yếu tố then chốt, đòi hỏi sự phối hợp và canh thời gian chính xác đến từng giây.

Đội tuyển bơi lội Australia đã bắt đầu sử dụng kính thực tế ảo (VR) trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Paris nhằm tìm kiếm lợi thế trong cuộc đua giành huy chương vàng.

Nhóm khoa học thể thao của nước này đã quay phim từng vận động viên bơi tiếp sức hoàn thành lượt bơi của họ từ phía trên bục xuất phát, mô phỏng góc nhìn của vận động viên tiếp theo. Sau đó, các đoạn video 3D được cung cấp cho các đồng đội của họ, cho phép họ quan sát và quyết định khi nào nên nhảy khỏi bục để thực hiện sự chuyển đổi nhanh chóng và hợp lệ.

 Thành viên đội thể dục dụng cụ Trung Quốc Ou Yushan (phải) đang tập luyện (Ảnh: Xinhua)

Thành viên đội thể dục dụng cụ Trung Quốc Ou Yushan (phải) đang tập luyện (Ảnh: Xinhua)

Ứng dụng AI trong thể dục dụng cụ

Thể dục dụng cụ yêu cầu các vận động viên thực hiện những động tác linh hoạt với độ chính xác và nghệ thuật cao. Trước kỷ nguyên kỹ thuật số, việc huấn luyện chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các vận động viên và huấn luyện viên kỳ cựu. Nhưng hiện nay, mọi thứ đã thay đổi.

Đội tuyển thể dục dụng cụ Trung Quốc đang sử dụng một nền tảng dữ liệu lớn, cho phép họ nghiên cứu mọi động tác của từng vận động viên. Nền tảng này giúp các huấn luyện viên xác định những điểm cần cải thiện và lập ra các kế hoạch huấn luyện cá nhân hóa.

Do khó khăn khi các vận động viên đeo cảm biến trong quá trình thực hiện các động tác kỹ thuật phức tạp, các nhà khoa học thể thao đã áp dụng công nghệ thị giác máy và trí tuệ nhân tạo mới nhất để ghi lại chuyển động của vận động viên mà không cần sử dụng cảm biến.

Theo một bài báo đăng trên China Sports Daily vào tháng 6, họ đang phát triển một phiên bản cập nhật với mục tiêu tự động phân tích và dự đoán.

Theo SCMP

Nhật Anh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/olympic-paris-2024-cac-dot-pha-cong-nghe-dang-thay-doi-the-gioi-the-thao-post176891.html