Từ văn hóa giao thông nhìn rộng ra

Mới đây, vụ việc một người đàn ông dùng gậy bóng chày tấn công người cha chở con đi học ngay giữa đường không chỉ khiến dư luận phẫn nộ, mà còn rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về thái độ ứng xử, nền tảng giáo dục và những rạn nứt trong văn hóa ứng xử của xã hội hiện đại.

Vụ va chạm giao thông vừa qua. Ảnh cắt từ clip

Vụ va chạm giao thông vừa qua. Ảnh cắt từ clip

Từ va chạm giao thông đến cú đánh vào văn hóa ứng xử

Ngày 31/3 tại Bình Dương, chỉ vì suýt va chạm xe, một người đàn ông đã rút gậy bóng chày đánh liên tiếp vào người cha đi xe máy, khiến 2 cha con họ phải nhảy khỏi xe để thoát thân. Người con ôm đầu hoảng sợ. Hành vi ấy ngay lập tức bị lên án mạnh mẽ, và người vi phạm đã bị bắt giữ, điều tra hình sự.

Nhưng câu hỏi lớn hơn là: Tại sao những tình huống tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống lại dễ dàng kích hoạt hành vi bạo lực đến vậy?

Đây không phải là trường hợp cá biệt.

Trước đó, một tài xế ở Hà Nội cũng từng bị truy tố vì đánh người sau va chạm giao thông chỉ vì “bị nhìn đểu” (11/2/2025).

Một vụ khác ở TP.HCM. Hai nam tài xế xe ôm va chạm, cầm xẻng rượt đuổi nhau trên đường (27/3/2025).

Còn nhiều vụ việc khác.

Dù dưới góc độ pháp luật là hành vi cố ý gây thương tích hay gây rối trật tự công cộng, nhưng nhìn rộng ra, đó là hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử nói chung.

Trong văn hóa truyền thống, người Việt đề cao sự nhẫn nhịn, biết giữ thể diện cho người khác. Câu “một điều nhịn, chín điều lành” không phải lời khuyên suông, mà là cách để giữ hòa khí, giữ an toàn cho chính mình và người xung quanh.

Ngày nay, khi cái tôi đặt dưới lớp kính lúp - được phóng đại, còn khả năng kiềm chế bị bé đi, thì một va chạm nhỏ cũng dễ trở thành mồi lửa cho bạo lực. Người ta coi nóng giận là bản lĩnh, mà quên mất bản lĩnh thực sự là kiềm chế cảm xúc tiêu cực, nóng nảy.

Có thể, trong nhịp sống hiện đại đầy tất bật, áp lực từ công việc, cơm áo gạo tiền, gánh nặng mưu sinh đã khiến con người ta dễ trở nên bốc đồng, thiếu kiềm chế. Sự mỏi mệt âm thầm ấy tích tụ dần, như nước đầy ly, chỉ chờ một cái chạm khẽ là trào ra thành hành vi bạo lực. Dẫu vậy, đó vẫn chỉ là nguyên nhân, không thể là lý do. Bởi lẽ, trước mỗi tình huống, con người luôn có quyền lựa chọn: Phản ứng theo bản năng hay hành xử bằng lý trí. Giữa ranh giới mong manh đó, nhân cách thực sự được bộc lộ.

Một cú va chạm có thể chỉ diễn ra trong vài giây, nhưng cách ta xử lý nó có thể để lại hệ quả suốt nhiều năm - cho cả người khác và chính mình. Sống giữa xã hội hiện đại, nơi ai cũng có thể mệt mỏi, bức bối, thì lựa chọn giữ bình tĩnh, không buông mình theo cơn giận dữ, chính là một hành động tử tế - không chỉ với người khác, mà với cả chính mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn

Không ai sinh ra đã biết đánh người. Cách một người phản ứng trong mâu thuẫn thường phản ánh cách họ được nuôi dạy và trưởng thành.

Một xã hội mà trẻ em lớn lên với những nội dung bạo lực tràn lan trên mạng, thiếu sự hướng dẫn cảm xúc từ cha mẹ, thiếu kỹ năng xử lý xung đột từ trường học, thì bạo lực dần trở thành phản xạ. Không chỉ là phản xạ hành động, mà là phản xạ tư duy - “ai động đến mình thì mình phải hơn, phải thắng”.

Câu chuyện ở Bình Dương không chỉ có người lớn bị đánh, mà còn có một đứa trẻ chứng kiến sự việc. Vết thương tâm lý ấy không dễ lành. Nếu không được chữa khỏi, chính đứa trẻ ấy mai này có thể sẽ lặp lại hành vi mà hôm nay em căm sợ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Văn minh không chỉ nằm trong khuôn khổ pháp luật

Pháp luật có những chế tài cho người sai, nhưng chỉ có đạo đức và văn hóa mới dạy con người không làm sai ngay từ đầu.

Khi một xã hội quen với việc giải quyết xung đột bằng nắm đấm, thì đó không còn là chuyện của từng cá nhân nữa mà là vấn đề chung của cộng đồng. Làm sao có thể an toàn ra đường nếu con người sống với nhau trong tâm thế “đụng là đánh”? Làm sao dạy con biết cư xử nếu người lớn ngoài kia cư xử như phim hành động?

Giá trị sống đôi khi không nằm ở những điều lớn lao, mà ở cách ta cư xử trong những tình huống rất nhỏ. Một lời xin lỗi, một cái gật đầu nhường đường, hay chỉ đơn giản là giữ im lặng khi có nguy cơ xung đột đều là những biểu hiện văn minh.

Xã hội phát triển, xe cộ nhiều hơn, con người sống nhanh hơn nhưng điều đó không có nghĩa là phản ứng không đáng có cũng phải nhanh, cũng phải mạnh.

Giữ bình tĩnh không khiến ta yếu đuối, mà ngược lại là biểu hiện của sự trưởng thành. Một người biết kiềm chế là người hiểu rằng một phút nóng giận có thể khiến mình trả giá cả đời.

Chúng ta không thể chọn ai sẽ xuất hiện, hay va chạm với mình trên đường, nhưng chúng ta luôn có thể chọn cách mình cư xử.

Và đôi khi, một người nhịn là cả xã hội được yên.

Văn hóa giao thông. Ảnh minh họa

Văn hóa giao thông. Ảnh minh họa

Từ vụ việc trên, ta nhìn thấy cả khoảng trống trong văn hóa đối thoại. Từ một phút nóng giận, ta thấy được điều mà nhiều người trong xã hội đang thiếu là kỹ năng mềm, sự cảm thông, và khả năng làm chủ chính mình.

Văn hóa giao thông không chỉ là chuyện chấp hành luật lệ, mà là một phần trong tổng thể văn hóa sống, nơi con người biết nhường nhịn, biết sẻ chia không gian sống, biết tiết chế cái tôi để gìn giữ trật tự chung. Sâu xa hơn, đó là biểu hiện của mức độ văn minh mà một cộng đồng đang sống.

Chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách giữa người với người bằng sự tử tế, bình tĩnh và tôn trọng. Văn hóa giao thông, suy cho cùng, không nằm ở những biển báo mà nằm trong trái tim mỗi người.

Bình An

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-van-hoa-giao-thong-nhin-rong-ra-a28198.html