Oman: Quốc vương độc thân qua đời, không ai kế vị
Quốc vương Oman Qaboos bin Said qua đời tối 10-1 ở tuổi 79. Quốc vương không lập gia đình, không có con và không chỉ định người kế vị.
Quốc vương Qaboos phải đi kiểm tra sức khỏe và điều trị ở Bỉ tháng trước. Ông từng trải qua 8 tháng điều trị ở Đức, sau đó về nước năm 2015 để tiếp tục chữa trị. Hiện chưa rõ căn bệnh gì khiến quốc vương qua đời, nhưng một báo cáo của Viện Chính sách Cận Đông công bố hôm 7-1 cho biết ông mắc bệnh tiểu đường và có tiền sử ung thư trực tràng.
Quốc vương Qaboos trị vì Oman gần 50 năm, là vị vua giữ ngai vàng lâu nhất trong thế giới Ả Rập. Oman tuyên bố quốc tang trong 3 ngày.
Theo báo The Guardian, một đạo luật năm 1996 quy định hoàng gia nắm quyền phải chọn người nối ngôi trong vòng 3 ngày sau khi vua mất. Nếu hoàng gia không đồng thuận, một hội đồng gồm các quan chức quân sự và an ninh, chánh án tòa tối cao và người đứng đầu lưỡng viện sẽ trao quyền cho người được quốc vương bí mật viết tên trong một bức thư niêm phong.
Ba anh em họ của Quốc vương Qaboos nhiều khả năng nằm trong danh sách này, gồm Bộ trưởng Văn hóa Haitham bin Tariq Al Said, Phó Thủ tướng Asaad bin Tariq Al Said và cựu tư lệnh hải quân Shihab bin Tariq Al Said, cố vấn cho Quốc vương. Các nhà quan sát cho rằng cái tên "nặng ký" nhất là Asad bin Tariq.
Ông Tariq (65 tuổi) được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách các vấn đề quan hệ quốc tế và hợp tác vào năm 2017. Động thái được xem là là thông điệp rõ ràng để nâng đỡ người anh em họ của quốc vương.
Quốc vương Qaboos lên ngôi sau cuộc đảo chính cha ông năm 1970 với sự giúp đỡ của Anh. Cha ông, Said bin Taimur, được xem là một vị vua bảo thủ, đưa ra nhiều điều luật hà khắc như cấm nghe radio hay mang kính râm. Quốc vương Said bin Taimur cũng quyết định ai được kết hôn, được giáo dục hay rời đất nước.
Sau khi lên ngôi, Quốc vương Qaboos đưa Oman từ một nước chỉ có 10 km đường nhựa và 3 trường học bước vào con đường phát triển hiện đại nhờ tài nguyên dầu mỏ dồi dào.
Ông theo đuổi ngoại giao trung lập, "đi dây" khéo léo giữa các cường quốc và được cho là bí mật tạo điều kiện cho cuộc đàm phán của Mỹ và Iran năm 2013, dẫn đến thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt hai năm sau đó.
Chính vì vậy, bất cứ sự thay đổi nào trong bộ máy lãnh đạo ở vương quốc này đều tác động không nhỏ đến chính sách Trung Đông của Mỹ và các nước phương Tây.