Ðòn bẩy thúc đẩy kinh tế

Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chọn chủ đề 'Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội'. Với chủ đề này, trong năm, Sở KH&CN Bình Phước đã cụ thể hóa các chương trình, nhiệm vụ, dự án, từng bước đổi mới sáng tạo, đưa KH&CN đến với doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG

Nhằm tăng cường phổ biến, tuyên truyền và nhân rộng ứng dụng KH&CN có hiệu quả trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân thông qua các dự án KH&CN cấp cơ sở. Từ đầu năm đến nay, sở đã triển khai thực hiện 12 lớp tập huấn, 3 hội thảo cấp cơ sở về ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện biên giới cùng 3 hội thảo khoa học cấp tỉnh, gồm: Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong bối cảnh hiện nay; Vai trò của marketing trong phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất mô hình nghiên cứu xây dựng và phát triển thương hiệu tỉnh Bình Phước thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, du khách và nguồn nhân lực; Thực trạng và định hướng phát triển nhà nuôi chim yến tại tỉnh Bình Phước. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo cấp cơ sở, nông dân hiểu và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến hơn vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

Xe phun thuốc tự động được sử dụng vào chăm sóc vườn sầu riêng tại trang trại sầu riêng Ba Đảo (xã Phước Tín, thị xã Phước Long)

Xe phun thuốc tự động được sử dụng vào chăm sóc vườn sầu riêng tại trang trại sầu riêng Ba Đảo (xã Phước Tín, thị xã Phước Long)

Sở cũng tiếp tục triển khai 2 nhiệm vụ KH&CN và đã nghiệm thu 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tên nhiệm vụ của năm 2022 “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông sản đặc trưng có thế mạnh của 3 huyện biên giới”. Phối hợp với Bộ KH&CN kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án nông thôn miền núi từ năm 2019-2022. Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được triển khai trong năm cũng được lựa chọn trên cơ sở các tiến bộ KH&CN trong và ngoài tỉnh có hiệu quả để triển khai ứng dụng, chuyển giao.

Kết quả của những đề tài, dự án góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều sáng kiến kỹ thuật tiến bộ được áp dụng vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng bền vững; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; từng bước xử lý ô nhiễm môi trường. Các giải pháp công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN, ISO giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hóa các cơ quan hành chính nhà nước.

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới, hệ thống pháp luật về KH&CN được chú trọng hoàn thiện. Nhờ đó, tiềm lực, mạng lưới nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN được nâng lên. Thị trường các doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao dần được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm KH&CN được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống.

Máy cắt lúa tự động được sử dụng tại ruộng lúa xã Lộc Quang (Lộc Ninh).

Máy cắt lúa tự động được sử dụng tại ruộng lúa xã Lộc Quang (Lộc Ninh).

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công tác tổ chức, quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh từng bước được tăng cường đã giúp các cá nhân, tổ chức và địa phương xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.

Cùng với các mặt hàng chủ lực của tỉnh thì một số tài sản trí tuệ tiêu biểu của nhân dân, doanh nghiệp cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Trong năm 2022, toàn tỉnh có trên 200 tổ chức, cá nhân được tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số tài sản trí tuệ tiêu biểu của người dân đã được hỗ trợ để ứng dụng vào thực tiễn. Kết quả, có nhiều sản phẩm được cấp bằng công nhận và thương mại hóa sản phẩm.

GIÚP PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bình Phước đã xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng, tạo ra môi trường năng động để doanh nghiệp và người dân được hưởng các dịch vụ thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ năm 1997 đến nay, Sở KH&CN đã hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 425 tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hồ tiêu Lộc Ninh, cao su Bình Phước, gà thả vườn và nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long và chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong sản xuất nông nghiệp, Bình Phước quan tâm ứng dụng KH&CN để phát triển nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Nhờ ứng dụng thành công những công nghệ tiên tiến, tài sản trí tuệ, các giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác khoa học... đã góp phần đưa Bình Phước trở thành tỉnh có sản lượng về điều, hồ tiêu, cao su đứng đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhiều năm liền đạt mức khá, thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng bình quân chung của cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Ngành nông - lâm - thủy sản tăng 2,6%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 16,2%: dịch vụ tăng 8,7%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 84,6 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2021. Xuất khẩu của tỉnh phục hồi mạnh mẽ, tăng 12,28% so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23% so với năm 2021; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh với mức tăng 23,5% . Đây là minh chứng rõ nét về vai trò cũng như đóng góp của KH&CN cho sự phát triển của tỉnh thời gian qua và là cơ sở thúc đẩy hơn nữa các hoạt động KH&CN thời gian tới, hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững cho nền kinh tế - xã hội địa phương.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/140305/don-bay-thuc-day-kinh-te