Ổn định cuộc sống nhờ vốn vay ưu đãi

Nhờ nguồn vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bến Lức, tỉnh Long An nhiều hộ có điều kiện duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mô hình Nuôi chim cút giúp gia đình ông Phan Thanh Tùng có thu nhập ổn định

Mô hình Nuôi chim cút giúp gia đình ông Phan Thanh Tùng có thu nhập ổn định

Cách đây 10 năm, vợ chồng ông Phan Thanh Tùng (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) biết mô hình Nuôi chim cút mang lại thu nhập cao nên quyết định cải tạo chuồng nuôi heo thành trang trại nuôi chim cút. Ông Tùng liên kết với một doanh nghiệp, vừa cung cấp con giống, vừa bao tiêu đầu ra.

Ông Tùng chia sẻ: “Hiện trang trại của tôi có 15.000 con chim cút. Trung bình, chim cút nuôi khoảng 1 tháng bắt đầu xuất bán với giá gần 50.000 đồng/kg (khoảng 4-5 con/kg). Sau khi trừ tất cả chi phí, hàng tháng, tôi có lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Tôi còn tận dụng phân chim cút để nuôi 4 ao cá tra, phi, trê,... Cá nuôi 1 năm bắt đầu thu hoạch, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm”.

Kỹ thuật nuôi chim cút không khó, chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, người nuôi chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thức ăn cho chim cút chủ yếu là cám công nghiệp, nước uống được lọc qua hệ thống, bình quân cho ăn 2 lần/ngày. Bà Võ Thị Ánh Thu (vợ ông Tùng) cho biết: “Lúc mới bắt con giống về, tôi xông đèn giữ ấm cho chim cút. Chim cút thường mắc bệnh khẹc nên phải biết cách phòng bệnh từ khi mới nhập con giống về, tách riêng các con bị bệnh khi vừa mới phát hiện để tránh lây lan mầm bệnh”.

Nuôi chim cút hiệu quả, năm 2022, vợ chồng ông Tùng mở rộng trang trại, chú trọng quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bà Thu cho biết thêm: “Có ý định mở rộng chuồng trại nhưng lại không có vốn nên tôi vay 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện Bến Lức. Số tiền này, tôi cải tạo trang trại thành 3 khu nuôi riêng biệt: Khu nhập con giống giữ ấm, khu nuôi thương phẩm và khu chuẩn bị xuất bán. Với cách nuôi như vậy, tôi không chỉ xuất bán chim cút thường xuyên mà còn có thời gian tiêu độc, khử trùng, diệt các mầm bệnh”.

Bà Võ Thị Dự duy trì việc kinh doanh nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Bà Võ Thị Dự duy trì việc kinh doanh nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Hơn 20 năm qua, bà Võ Thị Dự (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) chuyên bán quán ăn. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, quán ăn tạm đóng cửa để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Điều này làm kinh tế gia đình bà Dự lâm vào cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, bà cần nguồn vốn để phục hồi việc buôn bán. PGD NHCSXH huyện Bến Lức đã tạo điều kiện cho bà vay 50 triệu đồng.

Bà Dự bộc bạch: “Được vay 50 triệu đồng, tôi mua bàn, ghế, sửa chữa lại quán và nhập nguyên liệu. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi của PGD NHCSXH huyện, tôi khó có thể phục hồi việc buôn bán. Bởi vay tiền bên ngoài thì lãi suất cao, không có khả năng trả. Còn vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tôi chỉ cần gửi tiết kiệm và trả lãi khoảng 2 triệu đồng/tháng, với thời gian hoàn trả vốn trong vòng 5 năm”.

Nhờ có kinh phí đầu tư, quán ăn của bà Dự ngày càng khang trang, sạch, đẹp, giúp bà có thu nhập ổn định từ 500.000-700.000 đồng/ngày. Cuộc sống gia đình nhờ đó mà ngày càng ổn định.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ NHCSXH giúp nhiều người giải quyết các khó khăn về thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này cũng chính là “điểm tựa” cho những ai có nhu cầu vay vốn tương tự vợ chồng ông Tùng và bà Dự./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/on-dinh-cuoc-song-nho-von-vay-uu-dai-a166499.html