Ổn định dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, đã tạo được bước chuyển biến tích cực, chất lượng dân số có nhiều cải thiện. Giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm 0,3%, tảo hôn giảm 8,5%, kết hôn cận huyết thống giảm 0,08%, tuổi thọ bình quân tăng từ 70,74 tuổi lên 71 tuổi.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn (Mường La) tuyên truyền công tác dân số cho người dân trong xã.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Muôn (Mường La) tuyên truyền công tác dân số cho người dân trong xã.

Các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo việc đưa nội dung, chỉ tiêu dân số -KHHGĐ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của địa phương. Đây cũng là tiêu chuẩn để đánh giá và bổ nhiệm cán bộ hàng năm. Công tác tuyên truyền được tổ chức lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp; tổ chức tọa đàm, hội thảo; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; cấp gần 470 băng đĩa, 295.000 tờ rơi tuyên truyền Pháp lệnh dân số, Luật Hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác dân số.

Đồng chí Quàng Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Trai (Mường La), cho biết: Hàng năm, Đảng ủy xã đưa nội dung công tác dân số vào kế hoạch hoạt động của Đảng bộ. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã, chi bộ các bản lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, cuộc họp bản cho hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu thêm về tác hại của việc đẻ nhiều, đẻ dày... Các cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm chắc các hộ trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, phân tích cho họ hiểu và thay đổi hành vi dân số. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 7%; không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong 9 tháng qua.

Hiện nay, hệ thống đảm nhiệm công tác dân số - KHHGĐ toàn tỉnh có 1 trung tâm cấp tỉnh; các phòng thuộc trung tâm y tế huyện, thành phố; 204 cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn; gần 2.500 cộng tác viên dân số tổ, bản, tiểu khu. Mạng lưới cán bộ đảm nhiệm công tác dân số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm, từ 10-20 cán bộ dân số huyện, xã tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do y tế tuyến Trung ương, tuyến tỉnh tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến xã. Mỗi năm đào tạo kỹ thuật thực hiện các dịch vụ KHHGĐ cho 135 người; 160 người hoàn thành chương trình chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số viên hạng 3.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, cho biết: Trung tâm đã tham mưu với Sở Y tế triển khai chiến dịch “Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến các vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn”, giúp người dân hiểu rõ về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh... Từ đó, lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, cũng như được chủ động tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động của mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 35 xã và 12 trường phổ thông dân tộc nội trú; 70 câu lạc bộ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp giảm tỷ lệ bệnh tan máu bẩm sinh; mô hình tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; duy trì 13 điểm sàng lọc trước sinh, 12 điểm sàng lọc sơ sinh tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, trung tâm y tế các huyện... Nâng tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh lên 33,2%, tỷ lệ sàng lọc trẻ sơ sinh lên 16,5%, giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, bệnh tật, giảm phụ nữ nạo, phá thai.

Bác sỹ Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, thông tin: Hiện nay, trên địa bàn huyện đang duy trì mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tại xã Mường Sang, Lóng Sập và trường phổ thông DTNT huyện; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh và bệnh tan máu bẩm sinh tại các xã, thị trấn và Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu; thí điểm chính sách kiểm soát dân số khu vực biên giới tại xã Lóng Sập; câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu tại 4 trường THPT. Các mô hình dân số này đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo công tác dân số, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, từng dân tộc. Giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình, tầm soát chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm nhiệm công tác dân số tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung KHHGĐ sang giải quyết toàn diện về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số gắn với phát triển kinh tế, xã hội.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/on-dinh-dan-so-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-44826