Ổn định đời sống người dân sau lũ quét

Đã 2 tuần trôi qua kể từ trận lũ quét kinh hoàng đêm 24 rạng sáng 25/7, cuộc sống người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vẫn chật vật. Cơn lũ qua đi, bao khó khăn để lại, đặc biệt với những gia đình có người bị lũ cuốn, mất tích. Không ít gia đình chỉ chạy được người còn nhà cửa, tài sản cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Cũng từ sự khó khăn, hoạn nạn ấy, người dân đùm bọc nhau, hỗ trợ nhau cầm cự qua những ngày gian khó. Tình người sau lũ dữ thật trân quý vô cùng.

Bộ đội nạo vét bùn đất lấp rãnh thoát nước trên quốc lộ 12. Ảnh: Phạm Trung

Bộ đội nạo vét bùn đất lấp rãnh thoát nước trên quốc lộ 12. Ảnh: Phạm Trung

Trận lũ quét qua xã Mường Pồn đã làm 4 người tử vong, 2 người bị thương nặng, 3 người mất tích hiện vẫn đang tìm kiếm. Lũ cuốn trôi hơn 50 ngôi nhà, hàng trăm nhà khác bị ảnh hưởng, tập trung ở 4 bản: Tin Tốc, Lĩnh, Mường Pồn 1, Mường Pồn 2. Chỉ sau một đêm, lũ quét đã cuốn đi sự trù phú, bình yên của bản làng. Những ngôi nhà, xe cộ, thóc gạo… đã trôi theo dòng nước lũ. Ngay sau trận lũ dữ, các cấp chính quyền, lực lượng công an, quân đội, dân quân khẩn trương triển khai hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định đời sống người dân. Để sớm ổn định cuộc sống người dân sau lũ quét, các lực lượng triển khai thành các tổ tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, tài sản khỏi khu vực sạt lở, nguy cơ lũ quét. Thực phẩm cứu trợ, vật dụng sinh hoạt, nước uống… được lực lượng hỗ trợ vượt đường, tiếp tế tới các điểm ở tạm, khu vực bị cô lập do mưa lũ.

Khi dòng nước lũ đục ngầu, đặc quánh rút đi để lại lớp bùn đất với rác thải phủ kín ruộng vườn, gầm sàn. Nước lũ rút đi, rác thải, bùn đất tràn vào nhà, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, 7 bản của xã Mường Pồn bị cách ly bởi lũ quét không thể sang trạm y tế khám bệnh, nhận thuốc. Trạm y tế lưu động được thành lập, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Mường Pồn còn có 20 cán bộ y tế của tỉnh tăng cường hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà con sau mưa lũ. Vượt qua các tuyến đường lầy lội, bị chia cắt bởi sạt lở, các y, bác sĩ đến từng gia đình khám bệnh, cấp phát thuốc, khử khuẩn môi trường, xử lý nguồn nước để sử dụng. Đội ngũ quân y biên phòng tích cực tham gia hỗ trợ kiểm tra sức khỏe người dân, cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt... Việc xử lý nguồn nước bị ô nhiễm sau lũ được ưu tiên để tránh dịch bệnh.

Điểm dân cư Huổi Ké cách trung tâm xã Mường Pồn khoảng chục cây số trong đó có 4km là đường mòn qua nương, người dân có thể lưu thông bằng xe máy. Trận mưa lũ đã xóa sạch đoạn đường mòn khiến bà con ở Huổi Ké tách biệt hoàn toàn với bên ngoài và các bản lân cận. Mở đường vào điểm bản, không máy móc nào có thể hoạt động, dốc cheo leo, lực lượng bộ đội phải trực tiếp dùng cuốc, xẻng bạt sườn núi, làm đường tạm để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống cho bà con Huổi Ké. Mọi hoạt động hỗ trợ, sẻ chia được triển khai tích cực với mong muốn bà con ổn định cuộc sống sau lũ dữ.

Chiến sĩ Trung đoàn 82 hót dọn bùn đất bị lũ cuốn vào khu dân cư. Ảnh: Phạm Trung

Chiến sĩ Trung đoàn 82 hót dọn bùn đất bị lũ cuốn vào khu dân cư. Ảnh: Phạm Trung

Chia sẻ khó khăn bà con vùng lũ, những ngày qua, hàng trăm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ lương thực, mì gói, nước, sữa cùng vật dụng sinh hoạt để người dân Mường Pồn khắc phục hậu quả mưa lũ. Lực lượng công an, bộ đội, dân quân vác từng thùng mì, bình nước lội bùn, vượt qua mặt đường trơn trượt tiếp tế cho bà con đang ở khu vực an toàn là nhà văn hóa, điểm trường, nhà người thân. Nhận thùng mì, người này chia người kia bởi nhà cửa, thóc gạo, gà, lợn... của họ đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Người cùng bản, chia sẻ trong lúc hoạn nạn khi rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau thiên tai thêm ấm áp tình người.

Khó khăn lớn hiện nay với cấp ủy, chính quyền là việc tìm quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân khu vực lũ quét và những gia đình phải di dời khỏi khu vực nguy cơ sạt lở cao. Những hộ mất nhà trong trận lũ đang được bố trí ở tạm tại nhà người thân, nhà văn hóa hay điểm trường học song đây chỉ là biện pháp tình thế. Thêm một khó khăn nữa là hướng sinh kế cho bà con khi hơn 40ha lúa đã bị bùn đất vùi lấp, 2ha thủy sản thiệt hại hoàn toàn… Thống kê thiệt hại do thiên tai, mưa lũ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khoảng 257 tỷ đồng. Thế nên việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét; hỗ trợ sản xuất, làm nhà ở, khắc phục hạ tầng giao thông bị tàn phá sau mưa lũ, sạt lở… đang cần rất nhiều nguồn lực.

Dân quân huyện Điện Biên tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con bản Lĩnh. Ảnh: Phạm Trung

Dân quân huyện Điện Biên tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con bản Lĩnh. Ảnh: Phạm Trung

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là truyền thống, tinh thần tương thân tương ái bao đời nay của người dân Việt Nam. Những việc làm, hành động thiết thực của các lực lượng tham gia hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn sau trận lũ quét ở Mường Pồn những ngày qua là hình ảnh đẹp, thể hiện cụ thể truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Mọi sự chung sức, sẻ chia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân đều mong muốn người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng với người dân Mường Pồn rất đáng quý song để có được cuộc sống thanh bình trước trận lũ dữ vẫn cần thời gian rất dài và thêm cả sự quyết tâm nỗ lực, cố gắng của mỗi người.

Hà Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/su-kien-va-binh-luan/217258/on-dinh-doi-song-nguoi-dan-sau-lu-quet