Ổn định giá vàng, xăng dầu, điện: Làm gì để không rơi vào cảnh 'bóp chỗ này, phình chỗ kia'

Để ổn định giá vàng, xăng dầu và giá điện thì việc phát huy ưu điểm trong khâu chính sách bình ổn giá là cực kỳ quan trọng. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những nhược điểm từ khâu chính sách dẫn đến tình cảnh 'bóp chỗ này, phình chỗ kia', đòi hỏi cần điều chỉnh sao cho thực sự 'ổn' hơn nhằm khắc phục mặt bất cập, đưa thị trường minh bạch và lành mạnh hóa.

Ghi nhận tình hình giá vàng vào ngày 22/8 cho thấy giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn giá thế giới khoảng 5,5 triệu đồng/lượng so với mức chênh lệch rất lớn 16-17 triệu đồng/lượng trong các tháng đầu năm. Trong khi đó, giá vàng nhẫn liên tiếp leo đỉnh, tăng lên mức kỷ lục, đang neo ở mức 78,4 triệu đồng/lượng chiều bán, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tránh bất ổn dài hạn cho thị trường

Nhìn lại các chính sách bình ổn giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT) cho rằng đã góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, tình trạng “vàng hóa” cũng đã được kiểm soát. Chính sách bán vàng qua các ngân hàng thương mại đã giúp giảm nhu cầu tích trữ vàng của người dân, từ đó giảm tình trạng vàng hóa trên thị trường. Điều này góp phần ổn định thị trường vàng trong thời gian ngắn hạn.

Vẫn còn nhiều bất cập rất lớn về giá điện, rất cần khắc phục bất cập trong khâu chính sách để thị trường điện ổn định, minh bạch và lành mạnh hóa hơn nữa.

Theo ông Tùng, cơ chế bán vàng hiện nay đã giúp giảm bớt “cơn sốt” vàng trong nước, khi mà người dân không còn ồ ạt mua vàng như trước đây. Điều này giúp ổn định thị trường và ngăn chặn tình trạng “vàng hóa”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của RMIT lưu ý những chính sách bình ổn giá vàng vẫn tồn tại một số nhược điểm. Thứ nhất, mạng lưới giao dịch vàng bị thu hẹp. Thứ hai, quá trình mua bán vàng trở nên phức tạp. Thứ ba, thị trường thiếu sự cân bằng cung cầu. Thứ tư, các chính sách vẫn chưa xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC.

Và nhược điểm thứ năm là giá vàng nhẫn tăng vượt giá vàng miếng. Như băn khoăn của ông Tùng, khi vàng miếng SJC trở nên khó mua do hạn chế số lượng bán ra, người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua vàng nhẫn. Việc giá vàng nhẫn tăng vượt giá vàng miếng SJC do nhu cầu chuyển hướng của người tiêu dùng cho thấy sự bất cân đối trong quản lý thị trường vàng.

“Chính sách bình ổn giá vàng miếng đã tạo ra hiện tượng “bóp chỗ này, phình chỗ kia”, khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, gây bất ổn cho thị trường. Sự can thiệp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý giá vàng miếng SJC có thể dẫn đến sự bóp méo thị trường vàng. Khi giá vàng miếng bị kìm giữ ở mức thấp so với giá vàng nhẫn, điều này có thể khuyến khích các hành vi đầu cơ hoặc chuyển dịch dòng tiền không mong muốn, gây ra sự bất ổn dài hạn cho thị trường”, ông Tùng chỉ rõ.

Không chỉ băn khoăn về chính sách ổn định giá vàng, với các chính sách nhằm ổn định giá xăng dầu hay giá điện cũng còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh phù hợp hơn.

Đơn cử như vấn đề kinh doanh xăng dầu. Trong tháng 8/2024 Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo lần thứ 4 về Nghị định Kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo lần này, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp (DN) đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.

Trước khả năng đưa Quỹ bình ổn xăng dầu về Nhà nước quản lý, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, điều này có thể giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý Quỹ, tránh được những tiêu cực như chiếm dụng, sử dụng sai mục đích mà một số doanh nghiệp (DN) đã thực hiện trong thời gian qua.

Chính sách bình ổn cần thực sự “ổn”

Tuy nhiên, như lưu ý của ông Dũng, việc Nhà nước trực tiếp quản lý Quỹ cũng tiềm ẩn rủi ro về can thiệp quá sâu vào cơ chế thị trường, gây méo mó tín hiệu giá và gia tăng gánh nặng quản lý, chi phí vận hành. Việc can thiệp quá mức vào thị trường có thể gây ra những méo mó về giá cả và cung cầu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN trong ngành và tác động đến chính sách năng lượng dài hạn.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng để khắc phục bất cập trong việc xây dựng nghị định về kinh doanh xăng dầu đòi hỏi cần xây dựng một cơ chế “ổn định động”, linh hoạt, có thể điều chỉnh kịp thời theo diễn biến thực tế của thị trường.

Theo đó, cơ chế này cần có khả năng tự động điều chỉnh giá xăng dầu trong nước dựa trên các yếu tố như giá dầu thô, tỷ giá, thuế, phí... nhằm đảm bảo sự ổn định và công bằng. Nhất là cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi lợi dụng, thao túng, găm hàng, gây khan hiếm nguồn cung nhằm đẩy giá xăng dầu lên cao.

Hoặc như vấn đề về giá điện. Như nhận định mới đây từ chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có 4 bất cập rất lớn của giá điện. Bất cập thứ nhất có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Thứ hai, giá điện hiện nay chúng ta kỳ vọng và giao cho nó gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu. Thứ ba là bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Thứ tư là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội.

Còn theo ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc CTCP Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường điện Việt Nam không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là hợp đồng kỳ hạn, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như hợp đồng quyền chọn.

Bởi lẽ, việc sử dụng hợp đồng quyền chọn tại thị trường điện lực Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giao dịch của thị trường điện lực trên thế giới. Hơn nữa, hợp đồng quyền chọn là một công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.

Chính vì vậy, ông Quang nhấn mạnh, nếu Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ quy định hợp đồng kỳ hạn mà không quy định thêm hợp đồng quyền chọn thì chưa đầy đủ các công cụ bảo hiểm giá, chưa thể triển khai một cách toàn diện mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Nói chung, để giá vàng, xăng dầu hay giá điện không rơi vào cảnh “bóp chỗ này, phình chỗ kia” thì điều mong chờ ở khâu chính sách bình ổn giá là cần thực sự “ổn” hơn nữa. Nhất là cần soi lại từng chính sách với đâu là ưu, nhược điểm để từ đó phát huy ưu điểm, khắc chế nhược điểm nhằm xây dựng thị trường minh bạch và lành mạnh hóa.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/on-dinh-gia-vang-xang-dau-dien-lam-gi-de-khong-roi-vao-canh-bop-cho-nay-phinh-cho-kia-1101892.html