Ổn định mức sinh thay thế

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về công tác dân số. Hiện mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế; tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Những số liệu này vừa được đưa ra tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp. Đáng lưu tâm, mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm mạnh xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ.

Cùng đó, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (2023)…

Theo dự báo của Cục Dân số (Bộ Y tế), nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054 - 2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh. Vấn đề đặt ra lúc này, nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp đã được nhà quản lý và các chuyên gia chỉ ra. Trong đó, có lý do tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con gia tăng.

Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở có nhiều bất cập như thiếu trường học, học phí, viện phí cao, khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không có động lực sinh con. Bên cạnh đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt Nam đang ngày càng muộn hơn. Theo đó, tuổi kết hôn tăng từ 24,1 (năm 1999) lên 25,2 (năm 2019) và đến năm 2024 là 27,2 tuổi.

Tại Việt Nam giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Đưa ra giải pháp để phát triển dân số bền vững, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân – đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế - xã hội và chính sách dân số thì mức sinh sẽ tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay.

Theo ông Nhân, Việt Nam vẫn còn cơ hội để “nhấc” mức sinh lên. Để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (gồm: 2 người lớn, 2 trẻ con). Do đó, ông Nhân đề xuất, cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.

Hiện dự Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Đây được đánh giá là thay đổi căn bản trong Dự Luật Dân số so với Pháp lệnh Dân số 2008 sửa đổi.

Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân…

Cơ quan soạn thảo kỳ vọng việc trao quyền quyết định số lượng con cái cho các cá nhân, cặp vợ chồng sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cùng đó, khắc phục tình trạng người có điều kiện nuôi dạy con lại sinh ít con, trong khi người ít có điều kiện nuôi dạy con lại sinh nhiều, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dân số.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/on-dinh-muc-sinh-thay-the-10289066.html