Ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh

Ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh là giải pháp trọng tâm ngành Công Thương Hà Nội đẩy mạnh triển khai.

Đa dạng giải pháp ổn định nguồn cung, bình ổn giá

Tại Gala 15 năm ngành Công Thương triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức sáng 12/11, tại Hà Nội, bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh bình ổn thị trường và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu ổn định trong mọi hoàn cảnh. Những giải pháp đồng bộ này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mà còn hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững cho Thủ đô.

Bà Nguyễn Kiều Oanh (ngồi giữa) tại Gala 15 năm ngành Công Thương triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng)

Bà Nguyễn Kiều Oanh (ngồi giữa) tại Gala 15 năm ngành Công Thương triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng)

Cụ thể, trong những năm qua, Hà Nội đã không ngừng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bình ổn thị trường hàng thiết yếu và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Các chính sách này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng Thủ đô mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế, xã hội, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường biến động như dịp lễ Tết, khi dịch Covid-19 bùng phát hay trong mùa mưa bão. Việc phát huy các nguồn lực nội địa, nâng cao nhận thức về sử dụng hàng Việt, và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định đã tạo ra một nền tảng bền vững cho Hà Nội phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Kiều Oanh cho biết, để đối phó với những biến động bất ngờ của thị trường, Hà Nội luôn chủ động đánh giá và giám sát tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Hằng năm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng dự trữ, bảo đảm nguồn cung liên tục, nhất là trong những dịp cao điểm.

Kể từ năm 2010, chương trình bình ổn thị trường đã thu hút nhiều đơn vị tham gia và số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng. Ban đầu chỉ có 10 đơn vị tham gia, nhưng từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có khoảng 30 đơn vị đăng ký. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã tăng lượng hàng hóa dự trữ từ 1,5 đến 3 lần so với thông thường. Số lượng hàng hóa thiết yếu cũng được duy trì ở mức giá ổn định tại các điểm bán, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm mà không lo về giá cả tăng đột biến.

Tăng cường kết nối cung cầu

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa đa dạng và chất lượng, Hà Nội đã mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương. Việc này không chỉ giúp đưa các sản phẩm chất lượng cao từ các vùng miền về Thủ đô mà còn tạo ra kênh phân phối ổn định, đảm bảo người dân luôn có sẵn các mặt hàng thiết yếu.

Từ năm 2020, chương trình bình ổn thị trường của Hà Nội đã mở rộng đối tượng tham gia, bao gồm cả các đơn vị sản xuất ở các tỉnh, thành khác. Nhờ đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các vùng miền như sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương đã được cung cấp cho thị trường Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phong phú của người dân Thủ đô.

Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để kết nối doanh nghiệp trên địa bàn với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở các địa phương khác. Các hoạt động này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thêm nguồn hàng ổn định mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm đặc trưng của các tỉnh thành.

Song song với giải pháp kể trên, Hà Nội luôn chú trọng mở rộng hệ thống phân phối để đưa hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là hàng Việt Nam đến gần hơn với người dân, đáp ứng nhu cầu mua sắm của cư dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh. Năm 2010, thành phố có khoảng 397 điểm bán hàng thiết yếu; tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, số lượng điểm bán đã tăng lên hơn 12.000, đảm bảo phủ rộng khắp các quận, huyện và khu vực dân cư.

Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, số lượng điểm bán hàng thiết yếu đã được thành phố đẩy mạnh lên đến 20.000 điểm. Những điểm bán này không chỉ giúp người dân tiếp cận các mặt hàng thiết yếu một cách dễ dàng mà còn hỗ trợ các khu vực bị cách ly, phong tỏa có đủ nguồn cung thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết.

Việc tăng cường các điểm phân phối hàng hóa giúp giảm thiểu tình trạng khan hiếm cục bộ và bình ổn giá cả, nhất là trong những dịp lễ Tết hay khi xảy ra thiên tai. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng đã duy trì mức giá ổn định tại các điểm bán của mình, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Lan Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/on-dinh-nguon-cung-hang-hoa-thiet-yeu-cho-nguoi-dan-thu-do-trong-moi-hoan-canh-358383.html