Những dấu chân thầm lặng của doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng và Gami Group

Gami Group đang hoạt động trong ba lĩnh vực chính là thương mại, bất động sản và tài chính. Trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp này từng ghi dấu ấn khi hiện diện tại NCB và Chứng khoán Everest.

Hệ sinh thái Gami Group

"Nhà ở & ô tô cho mỗi gia đình Việt Nam", giới thiệu trên website của mình, Gami Group đặt ra mục tiêu trên. Ngược trở về thời điểm bắt đầu, doanh nghiệp này đã có tuổi đời hơn 30 năm, được thành lập từ năm 1993.

Hiện Gami Group đang hoạt động trong ba lĩnh vực chính là thương mại, bất động sản và tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, pháp nhân chính của Gami Group là Gami Land. Thông tin công bố trên website, từ năm 2003 đến nay, tổng số dự án do Gami Land phát triển đã đạt đến con số 18 với tổng diện tích đất lên đến hơn 2 triệu m2 và tổng mức đầu tư xấp xỉ 1,1 tỷ USD.

Doanh nghiệp này sở hữu nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam như: dự án Khu đô thị Tuần Châu Marina (Quảng Ninh), dự án khu đô thị Hanoi Westgate (Quốc Oai, Hà Nội), dự án công viên văn hóa chủ đề "Ấn tượng Hội An" (Quảng Nam), công viên chủ đề Theme Park Huế, dự án Gami Eco Charm (Đà Nẵng)...

Danh mục dự án bất động sản của Gami Land (Ảnh: Gami Group).

Danh mục dự án bất động sản của Gami Land (Ảnh: Gami Group).

Trong lĩnh vực xe ô tô, Gami Group sở hữu hệ sinh thái Gami Automobile với 5 doanh nghiệp "họ" An: Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Dân phân phối Mitsubishi; CTCP Truyền thông và Dữ liệu thanh toán An Du phân phối Mercedes-Benz; CTCP Đầu Tư Thương Mại An Đô là đại lý ủy quyền của Ford tại Việt Nam hay An Hưng phân phối Kia Morning.

Công ty TNHH Cho thuê ô tô An Hòa Phát (AVIS Việt Nam) - là công ty nhượng quyền thương mại với Avis Europe - là một thương hiệu hàng đầu về cho thuê xe trên thế giới.

Gami Group sở hữu hệ sinh thái Gami Automobile với 5 doanh nghiệp "họ" An.

Gami Group sở hữu hệ sinh thái Gami Automobile với 5 doanh nghiệp "họ" An.

Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nhóm cổ đông sáng lập Gami Group bao gồm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Vũ Hồng Nam và bà Tạ Thị Tú Trinh.

Trong đó, ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, năm 2018, tại giấy công bố thay đổi nội dung đăng ký, ông Dũng và ông Nam không còn sở hữu cổ phần nào tại doanh nghiệp này.

Hiện tại, ông Dũng đã rời ghế nóng tại đây. Chủ tịch doanh nghiệp này là bà Tạ Thị Tú Trinh - chị dâu ông Dũng.

Nhóm cổ đông thầm lặng tại NCB

Nói về ông Nguyễn Tiến Dũng, vị doanh nhân sinh kín tiếng này không chỉ gắn với tên tuổi Gami Group mà còn là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Đầu năm 2013, nhóm Gami mua lại NCB, khi đó còn là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) từ Chủ tịch Kinh Bắc Group Đặng Thành Tâm. Đến năm 2014, Navibank chính thức được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân – NCB.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - người sáng lập nên Gami Group.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - người sáng lập nên Gami Group.

Trong năm 2013, ông Vũ Hồng Nam được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng. Ông Nam là một trong những pháp nhân sáng lập nên Gami Group.

Báo cáo thường niên năm 2021 của ngân hàng này cho biết, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng gia nhập NCB từ năm 2013. Từ năm 2017 đến 2021, ông Dũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Đến tháng 7/2021, ông Dũng chuyển sang vị trí Phó Chủ tịch. Thay thế ông Dũng là bà Bùi Thị Thanh Hương.

Tháng 9/2023, NCB công bố đơn từ nhiệm của ông Dũng vì lý do sức khỏe cá nhân, ông cần nhiều thời gian hơn để chăm sóc, khám chữa bệnh.

Tại Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của ngân hàng này cũng cho thấy ông Dũng chỉ tham gia 1/4 số buổi họp Hội đồng quản trị vì lý do sức khỏe. Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy, ông Dũng nắm giữ gần 8,9 triệu cổ phiếu NVB tương ứng tỉ lệ sở hữu 1,5883% vốn tại NCB.

Ngoài ra, bà Trần Hải Anh, vợ ông Dũng đang nắm giữ hơn 27,6 triệu cổ phiếu NVB tương ứng 4,9% vốn ngân hàng. Bà Tạ Thị Tú Trinh - Chủ tịch Gami Group cũng đang có gần 4 triệu cổ phần, tương đương 0,7% vốn ngân hàng.

Tỉ lệ sở hữu vốn tại NCB của ông Nguyễn Tiến Dũng và người thân tính đến ngày 30/6/2023.

Tỉ lệ sở hữu vốn tại NCB của ông Nguyễn Tiến Dũng và người thân tính đến ngày 30/6/2023.

Dưới thời ông Dũng ngồi ghế nóng, tình hình tài chính của NCB có phần kém khả quan. Tính tới cuối năm 2021, tổng tài sản của NCB là gần 73.783 tỷ đồng, giảm 17,7% so với năm trước.

Trong đó, đáng chú ý, tài sản có khác của ngân hàng là 15.978 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng tài sản. Năm 2020, khoản này từng lên tới 21.231 tỷ đồng, tương đương 24% tổng tài sản, phần lớn là phải thu từ bán nợ (18.723 tỷ đồng) và các khoản lãi phí, phải thu (1.806 tỷ đồng).

Quý IV/2021, ngân hàng này thậm chỉ ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 3,5 lần so với cùng kỳ xuống còn 171 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro vẫn neo cao khiến NCB báo lỗ trước thuế 203 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, NCB lãi trước thuế vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng. Năm 2020, ngân hàng cũng chỉ lãi hơn 3,7 tỷ đồng. Trong khi thời điểm năm 2017, ngân hàng này từng lãi đến 22 tỷ đồng.

Sự hiện diện tại Chứng khoán Everest

Không chỉ dừng lại ở đó, bóng NCB và Gami Group còn hiện diện tại CTCP Chứng khoán Everest. Chứng khoán Everest tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương. Năm 2018, nhóm Gami hoàn tất thâu tóm công ty này từ tay Tập đoàn Đại Dương.

Ngay sau đó, doanh nghiệp này niêm yết trên HNX với mã chứng khoán EVS. Tại bản cáo bạch niêm yết cho thấy, nhiều nhân tố thuộc NCB và Gami Group đã hiện diện tại đây. Trong đó, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Chứng khoán Everest, ông Nguyễn Hải Châu, khi đó là Thành viên HĐQT từng là Trưởng phòng đầu tư tại NCB.

Ngoài ra, tại Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của Chứng khoán Everest, Gami Group là đơn vị có liên quan đến ông Châu.

Không chỉ ông Châu, thời điểm đó, bà Bùi Việt Anh - Thành viên HĐQT Chứng khoán Everest từng là trưởng phòng Định chế Tài chính NCB; bà Đặng Diệp Anh - Thành viên HĐQT là chuyên viên tài chính kế toán tại Gami Group, kế toán trưởng tại An Hòa Phát.

Về tay Gami Group, Chứng khoán Everest đóng vai trò dàn xếp nhiều lô trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp nhà Gami.

Trong đó phải kể đến lô trái phiếu MVJCH2124001 giá trị 600 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Mai Viên hồi năm 2021. Lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11,5%/năm. Trái chủ là 250 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước.

Trái chủ của lô trái phiếu do Địa ốc Mai Viên huy động là 250 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước.

Trái chủ của lô trái phiếu do Địa ốc Mai Viên huy động là 250 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với lô đất tại địa chỉ số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM (Khách sạn Fuision Suites Sài Gòn) thuộc sở hữu của CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn (Fusion Suites Sài Gòn).

Nguồn tiền huy động được từ trái phiếu được công ty sử dụng để góp vốn hợp tác đầu tư cùng CTCP Đại Lâm xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).

Ở thương vụ này, Chứng khoán Everest là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu. NCB là đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Người đại diện theo pháp luật của Địa ốc Mai Viên là Giám đốc Nguyễn Thảo Phương. Bà Nguyễn Thảo Phương từng là đại diện pháp luật tại chi nhánh Hội An của CTCP Quản lý Công viên Chủ đề Gami - doanh nghiệp trong hệ sinh thái Gami Group.

Thời điểm năm 2021, bà Nguyễn Thảo Phương còn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn - chủ sở hữu khách sạn Fusion Suites Sài Gòn - tài sản được sử dụng để bảo đảm cho lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Địa ốc Mai Viên.

Bà Nguyễn Thảo Phương từng là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thảo Phương từng là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho CTCP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn.

Theo đăng ký thay đổi cuối cùng tại thời điểm tháng 10/2023, đại diện pháp luật của doanh nghiệp trên đã đổi thành ông Trần Quang Chung. Tại báo cáo quản trị bán niên năm 2024, đơn vị này có liên quan đến Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Hà của Chứng khoán Everest.

Ngoài ra, Chứng khoán Everest cũng là tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu giá trị 300 tỷ đồng của CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Minexport) - pháp nhân được sáp nhập vào Gami Group từ năm 2018.

Thông tin lô trái phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản.

Thông tin lô trái phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản.

Lô trái phiếu có lãi suất phát hành 11%/ năm, được phát hành tháng 12/2020, kỳ hạn 3 năm và đã đáo hạn năm 2023.

Đáng chú ý, lô trái phiếu trên là lô trái phiếu 3 không: không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-dau-chan-tham-lang-cua-doanh-nhan-nguyen-tien-dung-va-gami-group-204241112223617594.htm