Ổn định thị trường lao động mùa COVID-19
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thuộc một số nhóm, ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thanh Hóa gặp khó khăn, phải dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, khiến người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm. Trước tình hình đó, ngành chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp ổn định sản xuất, giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Trong thời gian dịch, bệnh COVID-19, 100% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, khiến cho một bộ phận người lao động phải ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng.
Thống kê từ Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa cho thấy, có khoảng gần 60.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp khan hiếm nguồn nguyên liệu do sử dụng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (may mặc, giầy da…), lượng hàng hóa tồn kho nhiều, xuất khẩu giảm, không có thị trường tiêu thụ, bị hủy đơn hàng…
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 10.787 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 9.622 người được giải quyết trợ cấp thất nghiệp.
Riêng Tập đoàn giầy gia Hồng Phúc sử dụng trên 80.000 lao động trải rộng tại 11 nhà máy, trong tháng 4-2020 số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của Tập đoàn này là gần 5.000 người, tuy nhiên sau đó người lao động được quay trở lại làm việc do một số nhà máy đã ký được đơn hàng mới.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khến nhiều lao động lao đao trong việc tìm kiếm việc làm mới.
Trước thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt tìm giải pháp hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm mới.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Thanh Hóa có 981 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 17.907 doanh nghiệp. Các sở, ngành địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi gặp mặt, khảo sát tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, nông trại, gia trại, HTX… để tạo việc làm cho người lao động.
Ngoài ra Sở LĐ, TB&XH cũng giới thiệu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu tuyển lao động số lượng lớn như Công ty TNHH Regina Miracle International ở Hải Phòng, Công ty TNHH giầy Rollsport 2, công ty TNHH giầy Aleron (KCN Hoàng Long), Công ty TNHH Canon tại Hà Nội… về các huyện, thị xã trong tỉnh tuyển dụng lao động.
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ, B&XH) đã phối hợp ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về thị trường lao động để người lao động có nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt.
Ông Lê Văn Trường, Trưởng phòng dự báo thông tin thị trường lao động, cho biết thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ thứ hai hàng tuần tại Trung tâm, phiên giao dịch lưu động, online, chuyên đề dành cho các đối tượng đặc thù, thực hiện công tác dự báo thông tin thị trường lao động hàng quý, đồng thời thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động… đã giúp người sử dụng lao động và người lao động kết nối cung - cầu lao động nhanh nhất.
Đến nay, có khoảng 56.000 lượt lao động được tiếp nhận thông tin về vị trí việc làm, hướng nghiệp và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng (tăng 36,5% so cùng kỳ). Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiến hành thực hiện 23 phiên giao dịch việc làm, thu hút trên 19.530 người tham gia, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động.
Một số doanh nghiệp đang dần hồi phục, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động.
Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Đông Sơn Phạm Đình Điện cho biết, dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên tại huyện Đông Sơn hiện vẫn duy trì nhu cầu việc làm cho trên 6.248 lao động, tham gia các lĩnh vực may mặc, đá ốp lát, gạch không nung… Đến nay huyện Đông Sơn chưa có trường hợp làm hồ sơ xin trợ cấp xã hội về thất nghiệp.
Thọ Xuân hiện có trên 500 doanh nghiệp, hàng năm thu hút trên 6.000 lao động, tham gia chủ yếu trong các lĩnh vực may mặc, giầy gia xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay địa phương đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm, có gần 30 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch, khoảng trên 3.000 lao động tham gia.
Bà Hà Thị Ngân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thọ Xuân cho biết, thời điểm hiện tại huyện đã gải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại một số doanh nghiệp trong huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hình thức tư vấn nghề nghiệp cho người lao động, nhất là thanh niên, phụ nữ nông thôn, học sinh, phát triển các hình thức tư vấn, giới thiệu trực tuyến để phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp…