Ổn định thị trường xăng, dầu: Cần gỡ 'nút thắt' cho doanh nghiệp

Dù tổng nguồn cung được cơ quan chức năng khẳng định bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường nhưng tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế.

Từ thực tiễn, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp linh hoạt, chủ động trước những biến động của thị trường; đồng thời có giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), để sớm ổn định lại thị trường xăng, dầu.

Nguồn cung xăng, dầu gặp khó vì đâu?

Người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh phía Nam chật vật mua xăng, dầu; số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa, hoặc bán hàng “nhỏ giọt” là tình trạng phổ biến của thị trường xăng, dầu trong nước những ngày gần đây. Thẳng thắn nêu những khó khăn của DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, năm 2022 là năm rất khó khăn với DN. “Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các DN kinh doanh lỗ. Do lỗ triền miên, tâm lý của DN là bảo đảm nguồn cung ở mức vừa đủ cho hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng”, ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh xăng, dầu thời gian qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thừa nhận có hiện tượng một số DN kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc...

Người lao động Tổng công ty Dầu Việt Nam làm việc tại tổng kho xăng, dầu. Ảnh: AN SƠN

Người lao động Tổng công ty Dầu Việt Nam làm việc tại tổng kho xăng, dầu. Ảnh: AN SƠN

Về nguyên nhân, ông Trần Duy Đông chỉ rõ là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN kinh doanh xăng, dầu trong nước. Đặc biệt, trong giai đoạn quý II, các DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng, dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng, dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng, dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng, đồng thời đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ. Điều này khiến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh...

Một số nguyên nhân quan trọng khác khiến DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu hoạt động cầm chừng theo Bộ Công Thương đề cập là do tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng, dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2-3 lần các năm trước). Đặc biệt, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu do Nhà nước điều hành nên DN hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. Trong khi đó, nguồn cung xăng, dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước châu Âu, các DN đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận nguồn hàng xăng, dầu thế giới...

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng, dầu trong nước, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vấn đề then chốt là do dự báo thời gian qua của các DN chưa chuẩn nên đã “nhập phải hàng giá cao, rồi phải bán với giá thấp” dẫn đến kinh doanh thua lỗ; cùng với đó là vấn đề chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức chưa được tính toán đủ trong giá cơ sở xăng, dầu. “Các chi phí này đã được áp dụng từ năm 2014 nên không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Điều này dẫn đến tình trạng DN kinh doanh đầu mối xăng, dầu càng kinh doanh càng lỗ nên đã hạn chế nhập khẩu và siết chặt mức chiết khấu cho DN bán lẻ xăng, dầu. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho nguồn cung tạm thời gián đoạn”, ông Ngô Trí Long phân tích.

Sớm xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng, dầu

Giá cơ sở xăng, dầu được tính trên các yếu tố chủ yếu, đó là: Giá xăng, dầu thành phẩm thế giới; chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu; các khoản thuế. Câu chuyện được các DN quan tâm nhất hiện nay, đó là đề nghị cơ quan điều hành thay đổi công thức tính giá cơ sở sao cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Theo đó, Bộ Tài chính cần xem xét tính đủ chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức cho chuỗi cung ứng xăng, dầu, từ tạo nguồn của DN đầu mối đến khâu bán lẻ. “Chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương... đều tăng, gây ra bất cập. Vì vậy, mỗi năm, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xem xét, rà lại các chi phí cho hoạt động kinh doanh xăng, dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Đây là nền tảng cho việc tạo nguồn cung xăng, dầu”, ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng đề nghị.

Đề nghị giải pháp để cân đối cung-cầu giữa các địa phương một cách phù hợp, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành.

Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường, ông Trần Duy Đông cũng cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng, dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng, dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới) theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng, dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng, dầu ổn định cho thị trường. "Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng, dầu bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng, dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng, dầu qua biên giới sang các nước lân cận", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Giải quyết tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ tại một số địa phương, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, bộ đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng, dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng, dầu cục bộ. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là sở công thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/on-dinh-thi-truong-xang-dau-can-go-nut-that-cho-doanh-nghiep-708101