Ôn Lương vững bước đi lên

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Ôn Lương (Phú Lương) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Lãnh đạo huyện Phú Lương thăm vùng sản xuất lúa nếp vải ở xã Ôn Lương.

Lãnh đạo huyện Phú Lương thăm vùng sản xuất lúa nếp vải ở xã Ôn Lương.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thương, Bí thư Đảng ủy xã Ôn Lương: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã luôn đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự thống nhất cao của tập thể; đồng thời phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, xã đã khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Là địa phương thuần nông nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Ôn Lương đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, xã đã triển khai Đề án về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là đầu tư gieo cấy giống lúa nếp vải đặc sản và phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, kết hợp trồng rừng nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.

Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã triển khai nhiều chính sách khuyến nông, hỗ trợ người dân về vốn, cây, con giống; tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật kết hợp tham quan, trải nghiệm các mô hình kinh tế tiêu biểu.

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) nông sản nếp vải Ôn Lương được thành lập năm 2020. Bên cạnh hoạt động sản xuất, HTX còn là "cầu nối" đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Mỗi năm, các hộ dân và thành viên HTX được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng kinh phí in bao bì sản phẩm, giống, phân bón, làm đường bê tông nội đồng, cải tạo hệ thống tưới tiêu.

Xã Ôn Lương đang xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa khoảng 18ha ruộng cấy lúa nếp vải và tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa theo hướng VietGAP.

Xã Ôn Lương đang xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa khoảng 18ha ruộng cấy lúa nếp vải và tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa theo hướng VietGAP.

Bà Triệu Thị Vấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ôn Lương, chia sẻ: Không dừng ở việc cung cấp các sản phẩm gạo nếp vải ra thị trường, người dân trong xã đã chế biến thành nhiều món ẩm thực độc đáo, như: rượu ngâm đòng nếp non, rượu nếp, bánh chưng, bánh dày, cơm cháy, đặc biệt là sản phẩm cốm non được nhiều người ưa chuộng. Mỗi sào lúa nếp vải làm cốm, người dân có nguồn thu 10-12 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa thông thường.

Còn tại HTX nông sản và ong mật Tam Hợp Phú Lương, bà con cũng đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm thế mạnh. Theo đó, tận dụng lợi thế vùng của 3 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, với tổng diện tích rừng sản xuất gần 2.000ha, HTX đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Trên 40 thành viên HTX nuôi gần 2.000 đàn ong, mỗi năm đạt sản lượng trung bình trên 2.000 lít mật. Với giá bán 150-200 nghìn đồng/lít đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của xã Ôn Lương tăng bình quân 4%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 1%). Xã đã quy hoạch và xây dựng vùng đặc sản nếp vải có diện tích trên 76ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2022 ước đạt 100 triệu đồng (tăng 15 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ).

Đến nay, xã Ôn Lương có 2 sản phẩm gạo nếp vải và mật ong Tam Hợp đều đạt OCOP 3 sao. Kinh tế từ ngành Nông nghiệp mũi nhọn phát triển, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đạt 47 triệu đồng/người/năm (vượt 5 triệu đồng so với mục tiêu đề ra và tăng 17 triệu/người/năm so với đầu nhiệm kỳ). Số hộ nghèo hàng năm đều giảm, vượt chỉ tiêu 30% (hiện, hộ nghèo còn 69 hộ, bằng 7,5%; hộ cận nghèo là 24 hộ, chiếm 2,5%).

Sản phẩm mật ong của HTX nông sản và ong mật Tam Hợp Phú Lương (xã Ôn Lương) đã đạt OCOP 3 sao.

Sản phẩm mật ong của HTX nông sản và ong mật Tam Hợp Phú Lương (xã Ôn Lương) đã đạt OCOP 3 sao.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã Ôn Lương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về triển khai phong trào xây dựng NTM. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã đã huy động được trên 25 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó vận động nhân dân đóng góp gần 700 triệu đồng, hiến trên 13.000m2 đất.

Vợ chồng bà Dương Thị Phương, ở xóm Na Pặng, là một trong những điển hình tích cực tham gia xây dựng NTM. Ngoài làm 4 sào ruộng, gia đình bà còn trồng gần 4ha keo, chăn nuôi lợn, gà, vịt. Không chỉ phát triển kinh tế, gia đình bà Phương còn tích cực làm việc thiện nguyện và đặc biệt là hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường bê tông xóm và phục vụ Dự án xây dựng, nâng cấp hồ thủy lợi Tuông Lậc. Bà Phương vui vẻ: Xây dựng NTM, nhân dân được hưởng lợi trong đó có nhà tôi, việc gì phải băn khoăn!

Đến xã Ôn Lương những ngày này, bất cứ ai cũng nhận thấy được diện mạo nông thôn đang khởi sắc, với hệ thống điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Kết quả đáng mừng là tháng 6/2023, xã đã tự rà soát, đánh giá và qua đó cho thấy địa phương đã cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2022-2025…

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã Ôn Lương đến năm 2025: Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng trở lên; giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM, có 2 xóm trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202308/on-luong-vung-buoc-di-len-8bf08e8/