Ôn tập thế nào với đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Vật lí?
Thầy Lê Quốc Phi, Tổ trưởng tổ Vật lí-Công nghệ Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT từ đề tham khảo Vật lí.
75% câu hỏi mức độ nhận biết - thông hiểu
Theo thầy Lê Quốc Phi, đề tham khảo môn Vật lí Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhìn chung khá nhẹ nhàng do Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ mức độ 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu. Trong đó, chương trình Vật lí 11 có 4 câu hỏi nằm ở hai mức độ này.
Các câu hỏi vận dụng chủ yếu ở các chương: Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng, Lượng tử ánh sáng, Vật lí hạt nhân.
Các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao vẫn chủ yếu là những câu thuộc chương: Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng, Vật lí hạt nhân.
Đề thi không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Kế hoạch ôn tập với đề tham khảo
Với đề tham khảo môn Vật lí năm nay, thầy Lê Quốc Phi cho rằng, cần tập trung hệ thống lý thuyết, rèn luyện cho học sinh các dạng bài tập căn bản theo từng chương; củng cố kiến thức chương trình lớp 11, 12, đảm bảo các mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao (lớp 12).
Luyện giải các đề ôn thi tốt nghiệp THPT cũng cần chú trọng. Theo đó, củng cố kiến thức tổng hợp; tùy đối tượng học sinh để làm các đề vận dụng cao hoặc bám sát nội dung, chương trình thi. Thầy cô rèn luyện cho người học kỹ năng giải quyết các vấn đề theo cấu trúc, nội dung thi, làm các đề ôn luyện tổng hợp. Lưu ý cần phải bám sát từng đối tượng học sinh để có yêu cầu, mức độ phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Việc xây dựng tài liệu ôn tập lưu hành nội bộ cũng cần triển khai. Tài liệu ôn tập biên soạn riêng cho 2 nhóm đối tượng: Tăng cường các kiến thức, kỹ năng, các câu hỏi mức vận dụng cao cho nhóm đối tượng xét tuyển đại học; tinh gọn nội dung ôn tập (tóm tắt lí thuyết, công thức trọng tâm của 1 chương không quá 1 tờ A4) cho nhóm đối tượng chỉ xét tốt nghiệp.
Đồng thời, lập kế hoạch bổ sung kiến thức, dò bài cho những học sinh yếu vào giờ trái buổi; huy động tối đa giáo viên trong tổ để có thể theo sát học sinh trong các buổi học này. Duy trì các buổi dò bài cho nhóm đối tượng này liên tục trong các tuần tiếp theo cho đến trước ngày thi.
Tăng cường ôn luyện các câu trắc nghiệm mức độ vận dụng cao cho học sinh có năng lực, duy trì các buổi ôn luyện này liên tục trong các tuần tiếp theo cho đến trước ngày thi.
Trong các buổi ôn thi, giáo viên có trách nhiệm điểm danh học sinh theo từng tiết, kiểm tra việc chuẩn bị bài và sự tiến bộ của học sinh để điều chỉnh kế hoạch, phương pháp cho phù hợp.
Giáo viên cần vận dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học để thu hút các học sinh trung bình, yếu; phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý nền nếp lớp, duy trì sĩ số. Cụ thể, kiểm diện học sinh đầu mỗi tiết học, báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm về học sinh vắng tiết; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở học sinh chuẩn bị bài tốt; thông tin đến giáo viên chủ nhiệm và báo cáo kịp thời cho ban giám hiệu tình hình lớp ôn tập…
Thầy cô cũng cần tổ chức cho học sinh làm ít nhất 1 đề thi thử tại lớp (50 phút/đề) trong tuần để làm cơ sở đánh giá năng lực của học sinh.
Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018.