Ôn thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để chắc kiến thức, vững kĩ năng?
Các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT có 4 mức độ năng lực: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Có nghĩa rằng, người học không chỉ có nhớ và hiểu kiến thức mà còn phải biết vận dụng nữa.
Làm sao để chắc kiến thức?
Tuy nhiên, bước đầu tiên học sinh cần đạt được đó là “chắc kiến thức”, rồi mới tính tiếp hay làm những việc khác.
“Chắc kiến thức” có thể hiểu là nắm vững kiến thức môn học. Khi nói tới “chắc kiến thức”, chắc nhiều học sinh sẽ cho rằng đây là điều không có gì khó khăn. Quả thực, nhiều học sinh học tập rất nhanh, nhớ rất giỏi. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả.
Muốn “chắc kiến thức” không đơn giản là chỉ cần ngồi đọc, đọc đi đọc lại, chép nội dung cần nhớ ra, là xong.
“Chắc kiến thức” không chỉ là được rất nhanh, rất nhiều kiến thức mà không có hữu dụng (tức là không sử dụng được).
Lấy ví dụ. Một học sinh, ngồi đọc sách một bài học khoảng 30 phút xong một bài Sinh học 12. Sau đó em này viết ra những nội dung vừa đọc được đầy đủ, chính xác. Rõ ràng, em này giỏi, bởi vì không phải học sinh nào cũng có khả năng tiếp thu nhanh như thế. Có điều, đây mới chỉ là trí nhớ tạm thời và nó sẽ quên ngay sau một khoảng thời gian dài ngắn tùy từng người.
Trường hợp, nhiều em sau một khoảng thời gian dài vẫn nhớ kiến thức đó nhưng học sinh đó vẫn không thể biết hoặc hiểu ra kiến thức ứng dụng vào trong những vấn đề gì, việc gì,… Như vậy, kiến thức đó không chắc.
Các em muốn cho bản thân có một nền tảng kiến thức vững vàng, cần thực hiện những điều sau đây:
Thứ nhất, đọc sách thường xuyên. Đọc sách giáo khoa, sách tham khảo, đọc tài liệu,…nhưng phải diễn ra một cách thường xuyên.
Thứ hai, tóm tắt kiến thức đọc được một cách cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu. Ví dụ, khi học sinh đọc xong bài Lịch sử, hay Địa lý, nên ghi chép nội dung quan trọng nhất của bài học mà không nên ghi chi tiết, máy móc đúng từng câu từng chữ như trong sách.
Thứ ba, luyện tập, luyện tập và luyện tập. Đối với học sinh ôn thi, không còn cách nào hay hơn bằng việc sử dụng các câu hỏi và bài tập theo từng chủ đề để làm, qua đó củng cố và vận dụng được kiến thức. Kiến thức học được, được chúng ta vận dụng vào trả lời các câu hỏi và bài tập, đó mới là kiến thức chắc chắn. Những em ưa thích khám phá, thử thách cao hơn thì ôn luyện những dạng bài tập theo chuyên đề.
Tóm lại, học sinh muốn vững kiến thức cần phải thường xuyên vận dụng kiến thức bằng nhiều hoạt động khác nhau mà quan trọng nhất trong giai đoạn ôn thi đó là, làm thường xuyên các bộ đề thi thử để trau dồi, bồi bổ kiến thức của bản thân.
Phải nói thêm rằng, việc ôn luyện đạt chất lượng cao không dành cho học sinh lười biếng, vì vậy, những học sinh cố gắng, chăm chỉ thì chắc chắn con đường học tập sẽ được tiến bộ.
Để có thể “vững kĩ năng”
Tiếp theo, đó là làm thế nào để học sinh “vững kĩ năng”?
Không phải học sinh nào được học kĩ năng cũng trở thành người “vững kĩ năng” hay còn gọi là người có kĩ năng vững vàng.
Muốn “vững kĩ năng” cũng tương tự như “chắc kiến thức”, đó là cần vận dụng thường xuyên kĩ năng nào đó cho đến mức nhuần nhuyễn, thành thạo. Do đó, không còn cách nào khác, các em phải thực hành.
Thực hành là quá trình giúp cho kĩ năng của bản thân được triển khai và củng cố.
Đối với học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT, kĩ năng ở đây có nhiều nhưng chủ yếu đó là kĩ năng làm bài tập (môn Ngữ văn) hoặc kĩ năng trả lời trắc nghiệm.
Đối với từng môn khác nhau sẽ có kĩ năng làm bài không giống nhau. Do đó, không còn cách nào khác, học sinh phải tự giác học lấy những kĩ năng đó (giống như việc tiếp thu kiến thức mà thôi).
Khi học được kĩ năng rồi, ví dụ như kĩ năng làm trắc nghiệm di truyền liên kết gen hay hoán vị gen, thì tốt nhất các em sử dụng ngay những câu hỏi và bài tập trắc nghiệm liên quan đến chủ đề này để được sử dụng kĩ năng đó.
Đương nhiên, những lần đầu tiên vận dụng kĩ năng sẽ còn khó khăn, vất vả. Khi đó, nếu chưa thể vượt qua, các em có thể hỏi nhờ giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô hoặc đọc những tài liệu bổ sung.
Dần dần kĩ năng được củng cố và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào những bài tập tương tự hoặc nâng cao hơn.
Trên đây là con đường học tập có thể nói không có gì mới nhưng ít nhiều học sinh không đủ nghiêm khắc đối với bản thân để kiên trì thực hiện theo. Việc không đủ chăm chỉ, cố gắng, kiên trì sẽ cản trở học sinh trở nên giỏi hơn trên con đường học tập và thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, mà nó còn ngăn cản con người học tập và rèn luyện bất cứ một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống.
Trịnh Đức