'Ông Ba Mươi' trong nghệ thuật tạo hình dân gian
Dân gian xưa quan niệm con cọp tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên. Vì thế con người ngày đó có hai thế ứng xử: một mặt là sợ hãi, không dám gọi thẳng tên mà gọi cọp bằng 'ông': Ông Hùm, Ông Ba mươi, Chúa sơn lâm…
Tâm lý sợ hãi được ánh xạ vào tôn giáo nên các đền thờ Thần hổ khá nhiều ở nông thôn, ven núi rừng ngày trước. Mặt khác, là thế ứng xử tích cực, đánh cọp, chinh phục thiên nhiên mà các bức chạm gỗ dân gian trong các đình làng đã phản ánh một cách sinh động.
Có thể thấy rằng dân gian đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa thì tà ma không dám thâm nhập. Bởi vậy, hình tượng con hổ trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đền, điện.
Có nhiều loại tranh hổ: Bạch Hổ, Hắc Hổ, Ngũ Hổ… Trong đó tranh “Ngũ Hổ” là nổi bật hơn cả. Tranh “Ngũ Hổ” còn gọi là tranh “Ông Năm Dinh” tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm phương trời nên các nghệ nhân khi vẽ tranh hổ, ngoài chòm râu, ánh mắt dữ tợn của hổ được vẽ bằng màu vàng kim, dân gian còn vẽ năm con năm màu nhất định. Màu vàng trấn nhậm trung khu (đặc khu) là Hoàng hổ tướng quân; Màu đen trấn nhậm bắc khu (thủy khu) là Hắc hổ tướng quân; Màu trắng trấn nhậm tây khu (kim khu) là Bạch hổ tướng quân; Màu đỏ trấn nhậm nam khu (hỏa khu) là Xích hổ tướng quân; Màu xanh trấn nhậm đông khu (mộc khu) là Thanh hổ tướng quân. Tuy nhiên đây mới chỉ là những tranh để thờ.
Tranh thờ Ngũ Hổ.
Còn về tranh trang trí từ đời Hùng Vương cho đến thời Lý vẫn chưa thấy hình dáng con cọp trong các tranh trang trí, chỉ thấy những con vật thần thoại như rồng, phượng là chủ yếu. Sang thời Trần và tiếp theo những thế kỷ sau mới thấy hình dáng cọp xuất hiện cùng với các con thú khác như ngựa, trâu, hươu, nai, thỏ, dê, sư tử và các loài chim muông.
Điêu khắc đình làng thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 mới thật đẹp và độc đáo. Những lề thói của nghệ thuật Phật giáo, những kiêng kỵ của nghệ thuật cung đình nói chung, trong môi trường mới này đành tiêu tan trước tiếng cười tiếng nói của người dân bình dị, yêu đời và đầy sức sáng tạo. Nét khắc đục mộc mạc, chân chất. Ta có thể bắt gặp quan niệm nghệ thuật trên trong các bức phù điêu trang trí với đề tài cọp rất sinh động như: Người đánh cọp mô tả người khua tay, lấy tấn chờ đợi, cọp gầm ghè, nghiêng ngả nhảy chồm. Người nắm đuôi cọp như đùa giỡn con mèo, trêu chọc, co kéo, giơ dao định cắt. Chiến thắng cọp, con người lại cưỡi lên lưng những con chúa sơn lâm đã hoàn toàn bị khuất phục ấy: cũng chính là cách biểu tượng con người chinh phục, chiến thắng thiên nhiên.
Tranh Hổ Hàng Trống.
Trong nền điêu khắc cổ Việt Nam mô típ “hổ vồ mồi”, “hổ trông trăng”, “hổ và đại bàng”… thường được dùng để diễn tả một sức mạnh, một ý chí và khai thác chất thơ trong cái hùng của loài thú sơn lâm. Nhưng ở đây, ngay từ sự khởi tứ, tạo dáng, người nghệ sĩ đã tránh được đường mòn trong nghệ thuật cổ nước ta khi mượn hình tượng hổ. Họ không dùng cái “cương” để thể hiện sức mạnh, cũng chẳng “vẽ mây để vờn trăng”, mà dùng ngay cái “nhu”, cái “mềm” để biểu hiện chất “hùng”, chất “thép”, khai thác nó ở ngay những hình ảnh bình thường nhất nhưng mang đầy ý vị của trí tuệ đã trải đời.
Ngôn ngữ của đá được dùng không cầu kỳ hoa mỹ mà giản đơn táo bạo. Vẫn là những khối nổi chìm chuyển đổi, nhịp nhàng, dứt khoát. Chất thô, ráp của đá được giữ nguyên vẻ mộc mạc như thường thấy ở phong cách nghệ thuật Trần. Nhưng bút pháp diễn tả là một sự thần tình. Đó là sự kết hợp nhuần nhị giữa nghệ thuật tả thuật và cách điệu, mà không gây sự vênh, ngượng, bất hợp lý mà đơn cử là con hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ tại Thái Bình đã nói đầy đủ được điều cần có cho sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật.
Bức tượng hổ có niên đại từ thế kỷ 13-14, được đưa về từ lăng mộ Thái sư Trần Thủ Ðộ ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Chúng ta còn có những mảng chạm người và cọp thật sinh động, phong phú: tranh bắn cọp, chạm gỗ, đình Thổ Tang (Vĩnh Phú) nửa sau thế kỷ 17; tranh chạm gỗ quần nhau với cọp, đình Tây Đằng (Hà Tây) thế kỷ 16; tranh cỡi cọp đâm cọp, chạm gỗ, đình Trung Thương (Ninh Bình) thế kỷ 17; tranh điều voi đánh cọp, chạm gỗ, đình Chảy (Hà Nam Ninh) cuối thế kỷ 17…
Hay tranh chạm gỗ chùa Đậu mô tả cảnh người cưỡi cọp. Ở đây “dũng sĩ” cưỡi cọp như cưỡi ngựa, vai lại khoác túi trầu khác nào cưỡi cọp đi chơi. Cọp chồm lên như ngựa lấy đà phi, bất chấp những ngọn lửa hình lưỡi mác của một đầu rồng to hơn người và cọp nhiều. Thế chồm của cọp, dáng tự tin của người cưỡi, các ngọn lửa xoắn quanh thành chuỗi, tất cả phả vào mảng chạm một sức động mãnh liệt mà không gò bó, hào hùng mà vẫn phơi phới gió xuân.
Đề tài cọp còn thấy trong nghệ thuật gốm xưa Việt Nam và nhất là trong tranh dân gian, nếu gạt bỏ cái vỏ tôn giáo đi sẽ trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như các tranh ngũ hổ, bạch hổ hay hắc hổ… do sự phối hợp đường nét, hình khối và màu sắc tài tình của nghệ sĩ đã tạo nên những bức tranh hổ tuyệt diệu, đầy sức sống mãnh liệt, biểu hiện trên nét mặt, chòm râu, ánh mắt sáng dội của cọp. Nhất là thế ngồi của cọp, với thân hình vạm vỡ, chắc khỏe ngồi nghiêng trên thế chống thẳng tuyệt đối vững chắc của hai chân trước, càng làm tăng thêm sức mạnh của cọp.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ong-ba-muoi-trong-nghe-thuat-tao-hinh-dan-gian-post178029.html