ÔNG BA MƯƠI TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

Biểu tượng Trâu vốn là nét vượt trội trong nền văn hóa người Việt, ngược lại với Ngựa - có vẻ là một biểu tượng ngoại nhập khá muộn; con Rồng thì có một "lý lịch" khá rắc rối; thế còn “ông Ba Mươi”, ngài ở đâu trong tâm thức người Việt?

Ngũ hổ (Tranh dân gian Việt Nam)

Vùng Đông Nam Á là vùng sinh sống lâu đời của loài hổ (hổ Xumatra, hổ Đông Dương, hổ Hoa Nam,...). Từ trong cuộc tranh đấu sinh tồn xa xưa, con người đã nhận ra sức mạnh ghê gớm của loài thú này. Sùng bái mãnh lực của hổ là một nét tự nhiên trong tâm lý con người. Hình tượng con hổ được tìm thấy ở trống đồng Indonesia, Vân Nam (Trung Quốc), Thạp Đồng (Việt Nam)... Nó cũng được tìm thấy ở các tác phẩm điêu khắc, hội họa rồi văn chương của cả khu vực. Ở văn chương vùng Đông Nam Á, nó thường bị chú thỏ thông minh - hiền lành đánh bại. Đó chính là những âm vang của thời đại con người đang dần chế ngự thiên nhiên bằng trí tuệ của mình. Nó cũng còn là ước vọng chiến thắng của cái thiện trước cái ác.

Khác với cơ tầng văn hóa lúa nước sông Hồng gắn bó với trâu - chim - rắn, vùng Vân Nam, Trung Quốc du mục hơn có nhiều bộ tộc (Di, Naxi,...) có tục thờ hổ. Con Hổ đã từ núi rừng tây nam đông tiến. Đến đồng bằng Trường Giang, nó chạm trán với một thế lực siêu nhiên khác: Con RỒNG của văn minh lúa nước. Trong khi đang cố gắng thoát thai khỏi lốt ngựa - du mục - tây bắc (đến thời Tống, vẫn còn thấy rồng trong tranh Trung Quốc mang hình long mã), con rồng của mây mưa sấm chớp đã kịp chia sẻ quyền lực với chúa tể sơn lâm hùng vĩ. Văn hóa Trung Hoa có cặp đôi biểu tượng rất điển hình: LONG -HỔ.

“Long hổ đấu” là nói cuộc quyết chiến của những anh tài, “long hổ bảng” là nói về danh dự trong khoa cử, “long hổ châm” là trong y học,... Tay cầm của ấn ngọc vua Tần là tay cầm khắc hình long hổ.

Nhưng không phải là ngay từ ban đầu, địa vị của chúa tể nền văn minh lúa nước đã cao như thế. Những chạm trổ trên đồ đồng thời Thương - Chu chủ yếu là hình con hổ, những nét thấp thoáng của con rồng chỉ là phần phụ họa cho chúa sơn lâm.

Nhưng dần dần tình hình đổi khác. Từ đời Hán trở đi, các thiên tử đã trở thành dòng tộc của họ nhà rồng. Theo đó, tay cầm ấn triện, tranh thờ thần phù hộ trong cung điện,... chỉ còn hình rồng mà chẳng thấy bóng dáng chúa sơn lâm đâu.

Đến thời Hán đã chính thức đưa con rồng của vùng lúa nước Hoa Nam lên ngôi đồng thời với việc lấy vùng này là nguồn cung cấp lương thực chính. Và cũng từ đó, phần lớn thần dân triều Hán đã dần quen với việc thường xuyên ăn cơm.

Nhưng con hổ vẫn sống trong dân chúng Trung Hoa với nhiều tập tục thờ cúng, chủ yếu là để trừ tà hoặc cầu tài. Mặt khác, con hổ dường như vẫn giữ nguyên được địa vị trong Đạo Giáo khi tiếp tục cùng với con rồng làm thần hộ pháp cho dòng tôn giáo này.Con hổ ở Việt Nam đã không phải nhọc lòng tranh đấu với “loài rồng”. Thời đại Đông Sơn rực rỡ đã xác định hệ biểu tượng cho người Lạc Việt với những cặp đôi đối lập trong hài hòa: RỒNG/NƯỚC/CHA-CHIM/NÚI/MẸ... Điều này thấy rõ trên mặt trống đồng và những truyền thuyết.

Mối lo thường trực của dân Lạc Việt sông nước là thủy nạn/ thủy quái; bạn tâm giao của họ là con trâu; “đồng minh” chống hạn của họ là con cóc; môi sinh quanh họ rất nhiều con cò, con vạc, con nông,...

Thế thì từ bây giờ trở đi, chú hổ "giấy" phải thua đứt chàng trâu móm chứ còn gì! (Trong thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam, câu mở đầu bằng từ TRÂU có số lượng gấp quãng bốn lần câu mở đầu bằng từ HỔ).

Phải chăng, ở vùng Đông Nam Á không quá chuộng sức mạnh, chú hổ hơi bị lép vế. Nhưng với mãnh lực phi phàm của mình, nó vẫn gửi lại những dư ba đáng nể. Người Mường còn nhắc trong tục ngữ về thời tiết: “Hoẵng kêu thì nắng, cọp kêu thì mưa”, người miền Trung còn nhớ tên "cúng cơm" của ngài là KHÁI; người xuôi khi đuổi được ngài đi cũng biết thừa là đã “thả hổ về rừng”...

Nhưng không giống ở phương Bắc, không thấy dân gian Việt cầu phúc, cầu tài ở Ngài, Tranh Đông Hồ cầu vinh hoa, phú quý bằng GÀ, VỊT, CÓC, LỢN. Thoảng hoặc cũng thấy ông cọp ngồi bên khóm trúc trong bộ tranh tứ thời. Nhưng càng không giống ở phương Bắc (tranh hổ vẽ chính diện, hình bát quái đóng giữa trán, miệng ngậm kiếm, uy nghi hóa cao độ - để trừ tà!), con hổ trong tranh Việt tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên hơn, nhất là bộ tranh hổ Hàng Trống, nhận ảnh hưởng từ Đạo Giáo để phục vụ Đạo Mẫu, đã có nhiều sáng tạo để trở thành một trong những kiệt tác của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Yêu thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên cũng chính là truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Con hổ là một phần thiên nhiên nên nó cũng được hưởng một thái độ cư xử khá thân ái. Màn trò đánh hổ trong lễ hội mùa xuân của đền Đậu An, xã An Viên (Tiên Lữ) đã trở thành một cảnh vui nhộn gợi ký ức "chung sống" với cọp thuở xa xưa giữa trung tâm châu thổ sông Hồng hôm nay. Câu chuyện tiếu lâm có lẽ vào loại hay nhất kho tàng tiếu lâm đất Việt kể về một con hổ vào chuồng trâu ăn thịt trâu xong lăn ra ngủ quên mất. Tờ mờ sáng bị mắc ách cày vào vai mà hổ ta vẫn chưa tỉnh hẳn, cứ nhảy thách lên theo lệnh ông thợ cày. Tận lúc trời sáng, nhận ra nhau mới người - hổ hai bên xa chạy cao bay.

Đấy, NÔNG DÂN - TRÂU - HỔ đã có một thời "gần gũi" thật khó quên.

Thời khắc này, thời khắc cuối cùng của năm Tân Sửu đã đến, ở một miền quê xa xăm nào đó, bàn tay người mẹ, người chị đang rắc thêm nắm trấu quanh nồi bánh chưng xanh. Tiếng trâu cọ sừng, tiếng gà sang canh, tiếng chó râm ran bước chân lấy nước, hái lộc trước giao thừa. Xa xăm hơn nữa, có lẽ bây giờ chỉ còn trong cõi linh, tiếng bước chân của một loài mãnh thú đại diện cho một thế lực hùng mạnh, khó lường của trời đất. Nó bí ẩn như đêm nay, một đêm thiêng trong dằng dặc cõi người. Đêm bùng nổ một vận hội mới với vũ trụ, với mỗi số phận, đầy lo âu trong tràn trề hy vọng.

Phải chăng đó chính là triết lý nhân sinh đặt lên vai ÔNG BA MƯƠI?

Nguyễn Thành Tuấn

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202202/ong-ba-muoi-trong-tam-thuc-nguoi-viet-0d10162/