''Ông Bảy tằm tang''

Những nằm gần đây, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, nghề trồng dâu nuôi tằm đã hiện hữu trên vùng đất cà phê Di Linh. Một trong những hộ đã làm giàu từ nghề 'tằm tang' là gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (Thôn 5 - xã Gia Hiệp - Di Linh)…

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy với công việc trồng dâu nuôi tằm mỗi ngày

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy với công việc trồng dâu nuôi tằm mỗi ngày

Dù đã hẹn trước sẽ gặp gỡ, trò chuyện tại nhà, nhưng tôi phải tìm đến tận vườn dâu lai xanh tốt mới gặp được lão nông 53 tuổi (vì hôm đó, vợ chồng ông đang bận hái lứa dâu cho tằm ăn rỗi). Lão nông Nguyễn Văn Bảy (sinh 1969) vừa đưa tay áo quệt mồ hôi trên trán vừa cười rất tươi chào khách. Nụ cười thỏa nguyện của một nông dân xa xứ đi lập nghiệp trên quê mới trật trầy hơn 30 năm qua, bây giờ mới khá lên được.

Và, câu chuyện lập nghiệp của vợ chồng nông dân này được tôi ghi lại bên vườn dâu xanh trong một sáng Di Linh đẹp trời. Ông Bảy tâm sự, do quê cũ “thiếu đất cắm dùi”, làm ăn quá khó khăn, vợ chồng ông đã rời Hà Tĩnh vào Di Linh lập nghiệp từ năm 1990. Những năm đầu đến Di Linh, vợ chồng ông đi làm thuê đủ mọi việc cho người dân trong vùng để kiếm sống, dành dụm vốn liếng xây dựng cơ nghiệp. Sau nhiều năm chắt chiu, vợ chồng ông Bảy sang nhượng dần được 2,2 ha đất nông nghiệp vừa cất tạm cái nhà nhỏ để ở vừa sản xuất, chăn nuôi...

“Bắt chước” người dân trong vùng, những năm trước, vợ chồng ông Bảy chuyên trồng cà phê chủ lực và chăn nuôi gia súc, gia cầm để sinh sống. Khổ nỗi, giá cả cà phê nhiều năm qua cứ lên - xuống, bấp bênh khiến đời sống của vợ chồng, con cái lão nông này cứ trầy trật, khó khăn mãi…

Được Hội Nông dân xã Gia Hiệp khuyến cáo việc chuyển đổi canh tác các loại cây trồng mới cho sản lượng và giá trị kinh tế cao hơn thay cho các loại cây trồng kém hiệu quả; sau khi đi tìm hiểu một số nơi khác, ông Bảy đã quyết định chuyển dần diện tích trồng cà phê sang trồng dâu và học hỏi cách thức nuôi tằm. Từ năm 2016, vợ chồng ông đã chuyển sang trồng 1,2 ha dâu lai (chỉ giữ lại 1 ha cà phê và cây ăn quả).

Để có kiến thức về nghề “ăn cơm đứng” này, ông Bảy đã tích cực tham gia Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm của xã để vừa học hỏi cách thức, kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc tằm, vừa cùng nhau hỗ trợ tìm “đầu ra” ổn định lâu dài cho sản phẩm mới.

Thực tế hơn 4 năm chuyển dịch cơ cấu cây trồng và ngành nghề sản xuất, thu nhập của gia đình ông Bảy đã cải thiện rõ rệt, mở ra hướng làm giàu từ nghề “tằm tang”…

Hôm nay về Gia Hiệp, nếu hỏi lãnh đạo xã và bất cứ ai trong vùng đều biết ông Nguyễn Văn Bảy, với biệt danh “Ông Bảy tằm tang”. Bởi những năm gần đây, nông dân này nổi lên là hộ tiêu biểu trong nghề trồng dâu, nuôi tằm rất hiệu quả, có mức thu nhập cao nhất, nhì trong xã.

“Mục sở thị” phương thức sản xuất, làm ăn của gia đình ông Bảy mới thấy hết được khả năng sáng tạo, giỏi giang, sự cần cù, chịu thương, chịu khó với cái nghề cũng khá gian nan này mới có thể đem lại thành quả ngọt ngào.

Ông Bảy chia sẻ, thường mỗi đợt “xuống giống”, vợ chồng ông nuôi từ 3,5 đến 4 hộp tằm con (tằm giống phải mua có giá rất cao 900.000 đồng/hộp); sau 15 ngày chăm sóc, cho thu hoạch khoảng 2 tạ kén. Tính trung bình mỗi tháng, ông Bảy nuôi 2 đợt tằm, thu hoạch khoảng 4 tạ kén; với mức giá kén hiện tại (150.000 đồng/kg) ông thu nhập 60 triệu đồng. Những thời điểm giá kén trên thị trường cao (có lúc 200.000 đồng/kg) thì mức thu của ông Bảy và người dân nuôi tằm tăng gấp đôi. Sau khi trừ tiền mua giống, lá dâu, công chăm sóc, mỗi tháng, gia đình ông Bảy cầm chắc từ 40 - 45 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, vợ chồng ông Bảy thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm từ 600 - 800 triệu đồng; cộng cả thu hoạch 1 ha cà phê, gia đình lão nông này có mức thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm…

Ông Bảy “lý sự”, người ta nói “tằm tang” là nghề “ăn cơm đứng” vừa đúng vừa chưa đúng; cái “đúng” là phải có kiến thức, kinh nghiệm và tốn nhiều công chăm sóc, thường xuyên theo dõi; cái “chưa đúng” là việc nuôi tằm ngày nay đâu đến nỗi quá khổ cực như xưa. Ông Bảy nuôi tằm trên nong, đặt trên giàn và để trong nhà thoáng mát; còn dâu, ông trồng toàn bộ giống dâu lai mới có chất lượng tốt nhất. Vào mùa cao điểm, vợ chồng ông không làm xuể, phải thuê vài 3 công lao động phụ việc và trả công hàng ngày.

Cứ vậy, mỗi ngày đối với vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Bảy là không khí làm việc bận rộn nhưng rất nhiều niềm vui. Bởi gần 5 năm qua, vợ chồng nông dân này liên tục có mức thu nhập cao và ổn định. Cây dâu, con tằm đã sinh sôi, phát triển trên vùng đất Di Linh - thủ phủ một thời của cây cà phê đã mang lại no ấm, giàu có cho nhiều hộ dân, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Bảy…

Nhờ thu nhập cao, các con của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy đều học hành thành đạt (2 con gái đã tốt nghiệp đại học, có việc làm và lập gia đình). Vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Bảy cũng đã xây dựng nhà mới, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt gia đình, cuộc sống giàu có, hạnh phúc mở ra từng ngày trên quê hương mới…

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202202/ong-bay-tam-tang-3104248/