Ông Biden sẽ đẩy quan hệ Nga-Mỹ rơi vào 'thời kỳ lạnh giá'?

Khi tin tức hồi tháng 11 thông báo ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã giành đủ số phiếu đại cử tri để được tuyên bố là Tổng thống đắc cử, lãnh đạo thế giới đồng loạt phát đi những lời chúc mừng ông. Thế nhưng, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại không nằm trong danh sách đó mà phải đợi thêm hơn một tháng sau, ông mới gửi lời chúc mừng đến ông Biden.

So với ba đời Tổng thống Mỹ gần đây nhất, ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết thực tế trong cách đối phó với ông Putin hơn cả. (Nguồn: Getty Images)

So với ba đời Tổng thống Mỹ gần đây nhất, ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết thực tế trong cách đối phó với ông Putin hơn cả. (Nguồn: Getty Images)

Nhà bình luận chính trị Nga Konstantin Eggert nhận định: “Đúng kiểu Putin kinh điển. Khi không vội vàng chúc mừng ông Biden, ông Putin-ít nhất trong cách nhìn nhận của chính ông-muốn chứng tỏ rằng ông là một người cứng rắn, và nếu cần, ông ấy sẵn sàng chống lại Washington đến cùng”.

Hiểu rõ đối phương

Có thể đánh giá mối quan hệ giữa ông Putin và ông Biden khi nhìn vào mối quan hệ của họ thời ông Biden còn là Phó Tổng thống trong chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden thường gọi Nga là “mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ”. Sau vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ hồi tháng 12 này, vốn được cho là do Nga gây ra, Tổng thống Mỹ đắc cử tuyên bố những kẻ gây ra vụ việc này sẽ phải trả giá.

Mặc dù vậy, mối quan hệ đối địch này không có nghĩa là ông Putin không sẵn sàng đối thoại với ông Biden.

Nhà bình luận Konstantin Eggert giải thích: “Đối với ông Putin, ưu tiên luôn là muốn được nhìn nhận có thiện chí đối thoại với Mỹ. Điều rất thú vị ở đây là chính quyền Trump lại bác bỏ cơ hội này. Đối với ông Putin, việc có thể đối thoại song phương với Mỹ là bằng chứng cho thấy vị thế siêu cường của Nga và vai trò của cá nhân ông trên phạm vi toàn cầu”.

Chính ông Biden hồi năm 2009 tuyên bố rằng đã đến lúc “nhấn nút cài đặt lại” quan hệ với Nga. Chính quyền Obama khi đó đặt cược vào Dmitry Medvedev, người mà ông Putin nhắm tới cho vị trí kế nhiệm ông sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống.

Trong một chuyến thăm đến Moscow, ông Biden từng cảnh báo rằng nếu ông Putin - khi đó là Thủ tướng Nga - chạy đua nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba thì đó sẽ là điều tồi tệ đối với Nga.

Ông Putin phớt lờ cảnh báo này và vẫn trở lại chiếc ghế Tổng thống của mình. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ông Biden trở thành “hoa tiêu” trong chính quyền Obama kêu gọi các đồng minh châu Âu chống lại Moscow và hậu thuẫn Kiev.

Ông Biden hiểu biết về Liên Xô và lần đầu tiên đến thăm Nga vào năm 1973. Năm 2011, trên cương vị “Phó tướng” của Tổng thống Obama, ông cũng được ông Putin - khi đó là Thủ tướng Nga, đón tiếp.

So với ba đời Tổng thống Mỹ gần đây nhất, ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ có kinh nghiệm và hiểu biết thực tế trong cách đối phó với ông Putin hơn cả.

Bà Angela Stent, Giáo sư tại Đại học Georgetown (Mỹ) đánh giá: “Chắc chắn, ông Putin và ông Biden hiểu rõ về nhau. Tôi nghĩ đó là một mối quan hệ khá thực tế nhưng có lẽ không dễ dàng. Tôi không nghĩ rằng sẽ sớm có bất kỳ bước đột phá nào trong mối quan hệ này”.

Toan tính của ông Putin

Theo nhà phân tích chính trị Stanislav Belkovsky của Nga, Moscow coi chính quyền Biden chỉ là sự tiếp nối của nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Ông Belkovsky cho rằng ông Putin có thể sẽ không coi trọng mối quan hệ cá nhân của mình với ông Biden.

Nhà phân tích này giải thích rằng, ông Putin đã rút ra được bài học sau khi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp của ông với Tổng thống Trump không ngăn được quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

"Ông Putin hiểu rằng các mối quan hệ cá nhân không tạo thêm bất cứ điều gì cho mối quan hệ Nga-Mỹ. Ngay cả những mối quan hệ cá nhân này thực sự tốt hay thực sự xấu thì không có gì thay đổi cả. Ông ấy không tính đến quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Mỹ. Ngày nay, ông ấy chỉ tính đến những lợi ích chung trong một số lĩnh vực nhất định”, ông Belkovsky nói.

Một trong những lĩnh vực đó là kiểm soát vũ khí. Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) - Hiệp định cuối cùng hạn chế vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sẽ hết hiệu lực chỉ 16 ngày sau khi ông Biden nhậm chức.

Bà Stent nhận định: “Ưu tiên số 1 phải là gia hạn START mới. Các ưu tiên khác trong mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ là vấn đề biến đổi khí hậu và tương lai của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vốn có từ thời chính quyền Obama và chỉ được thắt chặt dưới thời chính quyền Trump”.

Theo nữ giáo sư này, một ưu tiên khác rõ ràng đối với chính quyền Biden sẽ là thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và loại bỏ chế độ chính trị tham nhũng toàn cầu vì đây chính là những vấn đề khiến mối quan hệ Nga-Mỹ có thể xấu đi.

Đồng quan điểm này, ông Eggert nhận định, điện Kremlin tính toán rằng ông Biden nói riêng và các chính quyền Dân chủ nói chung sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền.

Ông nói: “Điện Kremlin nhìn vào hành động hơn là lời nói. Tổng thống Putin sẽ bắt đầu lo ngại nếu ông Biden thực hiện những bước đi như mời thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny tới Nhà Trắng hoặc tích cực ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ ở Belarus”.

Chính sách đối ngoại của Mỹ được triển khai như thế nào sẽ phụ thuộc vào ông Antony Blinken, người được ông Biden chỉ định là Ngoại trưởng Mỹ. Ông Blinken cũng từng là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kiêm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Obama.

Nữ giáo sư Stent cho rằng ông Blinken, người vốn thân cận với ông Biden, sẽ đưa hoạt động trong nội bộ chính quyền Mỹ trở lại bình thường cũng như thiết lập chính sách ứng phó với Moscow theo cách mà thời chính quyền Obama vẫn làm.

Bà Stent dự đoán, các kênh ngoại giao giữa Mỹ và Nga vốn bị “chết yểu” dưới thời ông Trump sẽ được tái thiết lập.

Bà nói: “Trước hết, ai cũng mong muốn Mỹ có một chính sách đối ngoại nhất quán hơn đối với Nga, khác với chính sách thời Tổng thống Trump, khi mà bản thân ông Trump chỉ đi theo chính sách của mình nhằm cố gắng cải thiện mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, trong khi phần còn lại của nhánh hành pháp lại tỏ ra cứng rắn hơn với Moscow”.

Tại Moscow thời điểm này đang xuất hiện ý kiến cho rằng ông Blinken sẽ không làm hồi sinh mối quan hệ gần gũi như cách mà cựu Ngoại trưởng John Kerry thời Tổng thống Obama đã phát triển với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

“Có thể, ông Blinken không phải là một người đối thoại dễ chịu đối với ông Lavrov, song điều này có thể không tệ vì giới chính trị Nga chỉ muốn đối thoại với chính khách Mỹ có sức mạnh và cứng rắn”, ông Eggert dự báo.

Hiện ông Putin đang "nghe ngóng" vào thời điểm chính quyền mới của Mỹ sắp lên nắm quyền. Tổng thống Nga sẽ kiềm chế đưa ra những nhận định công khai về ông Biden, giống như cách mà ông thể hiện lời chúc mừng tới vị Tổng thống Mỹ đắc cử.

Nhà phân tích Belkovsky nói: “Ông Putin rất hào hứng về tình trạng hỗn loạn trong hệ thống chính trị Mỹ vừa qua cũng như trong cách kiểm phiếu. Điện Kremlin cho rằng Mỹ sẽ không còn có thể đứng trên người khác để chỉ trích hệ thống bầu cử của Nga”.

(theo npr.org)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ong-biden-se-day-quan-he-nga-my-roi-vao-thoi-ky-lanh-gia-132166.html