Ông bố dạy con mắc bệnh tâm thần trở thành dịch giả
Anh đã dành cả cuộc đời mình để dịch hơn một chục đầu sách văn học nước ngoài sang tiếng Trung trong khi bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Bức thư chân thành và thẳng thắn của một ông bố về tình trạng sức khỏe tâm thần của cậu con trai và sự nghiệp biên dịch lừng lẫy của anh đang trở thành một trong những chủ đề được chú ý nhiều nhất ở Trung Quốc những ngày qua.
Trong một bài viết dài 6.000 chữ, ông Jin Xingyong đã mô tả cậu con trai 50 tuổi Jin Xiaoyu của mình là một “thiên tài”. Anh đã dành cả cuộc đời mình để dịch hơn một chục đầu sách văn học nước ngoài sang tiếng Trung trong khi bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Ông khen ngợi tài năng và thành tích của con trai, đồng thời chia sẻ chi tiết về những khó khăn mà họ đã phải trải qua cùng nhau.
“Dịch thuật không kiếm được nhiều tiền, nhưng mỗi cuốn sách mới là một động lực thúc đẩy khi mà cuộc sống của con trai tôi bị đe dọa” - ông bố 86 tuổi viết trong bức thư đăng trên tờ nhật báo Hàng Châu hôm 17/1.
Xiaoyu ham đọc sách từ sau khi bỏ học trung học. Anh đọc xong tất cả các cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh được gợi ý trong thư viện địa phương. Anh từng dịch tập truyện ngắn đầu tay “Ship Fever” của tác giả người Mỹ Andrea Barret vào năm 2010 và không ngừng lại kể từ đó.
Trong thập kỷ tiếp theo, Xiaoyu đã xuất bản 17 cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Đức, trong đó tiếng Nhật và tiếng Đức là anh tự học. Tháng tới, anh cũng xuất bản thêm tác phẩm “The Correspondence of Water Benjamin”.
Trong suốt thời gian qua, ông Xingyong cho biết anh luôn ở bên cạnh con trai với tư cách là người đọc đầu tiên, cổ vũ và phê bình thẳng thắn những tác phẩm của anh.
“Con trai tôi không có bạn bè” - ông viết. “Là bố, tôi thấy cực kỳ may mắn khi là người bạn thân nhất và là người trợ lý của con suốt hơn 10 năm qua”.
Bức thư của ông không chỉ là đánh giá chi tiết về những thành tích của con. Ông cũng chia sẻ về những cuộc đấu tranh của gia đình khi phải đối mặt với tâm trạng thất thường và các giai đoạn trầm cảm của Xiaoyu.
Rối loạn lưỡng cực là căn bệnh ảnh hưởng đến 45 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 7 triệu người Trung Quốc. Ở Trung Quốc, các cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề sức khỏe tâm thần thường được che đậy trong sự xấu hổ. Dù vậy, quan niệm này cũng đang dần thay đổi.
Trong bức thư, ông Xingyong cũng kể lại những trải nghiệm khó khăn của con trai, trong đó có lần anh lật ngược chiếc tủ lạnh hay đập vỡ tivi. Người cha cũng thẳng thắn nói về xu hướng tự tử của con và cách gia đình ông đối phó với những tình huống đó.
“Tôi đã mua một số cuốn sách về bệnh tâm thần. Có 2 điều tôi học được và nó đã giúp tôi không suy sụp”.
“Đầu tiên, sau 1-2 lần cố tự tử, những bệnh nhân này thường ít có suy nghĩ như vậy thêm một lần nữa. Họ sẽ trân trọng cuộc sống hơn trước.
Thứ hai, những bệnh nhân này rất phi thường về mặt tinh thần, thậm chí họ có thể có khả năng sáng tạo của một thiên tài”.
Niềm đam mê của Xiaoyu với công việc luôn là cứu tinh cuối cùng của anh.
Kể từ khi ông Xingyong đăng tải bức thư, anh Xiaoyu bỗng nhiên trở thành một người nổi tiếng ở một khía cạnh nào đó. Một số phương tiện truyền thông trong nước đã đưa tin về câu chuyện thành công của anh.
Hiệp hội Dịch thuật Chiết Giang cũng vừa mời anh gia nhập.
“Tôi không nghĩ rằng lại có nhiều người chú ý đến vậy” - ông Xingyong chia sẻ. “Có rất nhiều đứa trẻ giống như con trai tôi. Họ cần được xã hội công nhận và khuyến khích”.
Đăng Dương(Theo Sixth Tone)