Ðồng bộ và trách nhiệm
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) được cho là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công. Thông qua chỉ số này, cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở khách quan để lựa chọn giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân.
Một thực tế không thể phủ nhận là trong những năm qua, công tác cải cách hành chính ở Bình Phước được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện toàn diện trên cả 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, vẫn còn người dân chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Theo kết quả công bố tại hội nghị của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ mới đây, chỉ số SIPAs của Bình Phước trong năm 2023 đạt 76,08%, tăng 0,03% nhưng lại giảm 6 bậc so với năm 2022.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kết quả nêu nêu trên cho thấy, người dân chưa cảm nhận được sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc cải cách hành chính dẫn đến chỉ số SIPAS còn thấp. Tuy nhiên, qua phân tích và đánh giá kết quả thực hiện đối với các chỉ số thành phần đã cho thấy, việc chỉ số SIPAS chưa đạt cao và giảm thứ hạng do nhiều nguyên nhân. Đó là, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt các nội dung về đánh giá, đo lường các chỉ số thành phần SIPAS; công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, dẫn đến người dân chưa cảm nhận được những nỗ lực của các cấp chính quyền trong cải cách hành chính… Và, không ít cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, thậm chí chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở có nơi chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, dẫn đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân chưa thật sự khéo léo, hài hòa.
Một thực trạng nữa cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chỉ số và thứ hạng là vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa quan tâm nhiều đến thông tin về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, các quy định pháp luật. Nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khả năng nắm bắt, tiếp cận thông tin còn hạn chế... nên khi khảo sát thông tin cung cấp chưa được chính xác, đầy đủ. Mặt khác, vẫn còn không ít vấn đề tiêu cực của các cơ quan nhà nước xảy ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm, thấu tình đạt lý, gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Một số dẫn chứng có thể lý giải cho việc đánh giá chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước chưa cao, như: không ít vụ việc tiêu cực đối với cán bộ, công chức được phát hiện; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ rời bỏ lĩnh vực công ngày càng phổ biến; các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thiếu nhân viên y tế, thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị khám, chữa bệnh cho người dân... làm ảnh hưởng đến lòng tin, dẫn đến người dân, tổ chức có cái nhìn sai lệch khi đánh giá chỉ số.
Từ thực tế và những nguyên nhân được chỉ ra cho thấy, muốn nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước, từ đó cải thiện chỉ số SIPAS đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận và giải quyết dứt điểm, triệt để những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157393/dong-bo-va-trach-nhiem