Ông Bùi Kiến Thành: Vài gợi ý cho thị trường vốn Việt Nam

'Cần xây dựng cấu trúc và khung khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Riêng đối với việc huy động và sử dụng vốn đầu tư từ doanh nghiệp bảo hiểm, nên nghiên cứu khả năng hợp tác với các tập đoàn quốc tế', chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cựu cố vấn thường trú cấp cao tại Việt Nam cho American International Group (AIG), cựu cố vấn cấp cao cho Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIA Việt Nam) - công ty thành viên của AIG, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Dư địa của thị trường vốn

KTSG: Phát triển thị trường vốn Việt Nam lành mạnh, hiệu quả là điều kiện quan trọng để huy động nguồn lực xã hội, phục vụ cho nền kinh tế. Đây được cho là một nhiệm vụ khả thi vì thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Quan điểm của ông như thế nào?

- Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Thị trường vốn cho nền kinh tế Việt Nam đến từ các nguồn trong nước và các nguồn nước ngoài.

Về các nguồn trong nước, đứng đầu hiện tại vẫn là tín dụng ngân hàng. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ tín dụng/GDP duy trì xu hướng tăng. Năm 2023, quy mô thị trường tín dụng đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng, tương đương tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 130%, ở mức cao trên thế giới.

Trong khi đó, theo thống kê của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, năm 2023, thị trường cổ phiếu cung ứng 0,75% tổng lượng vốn cho nền kinh tế. Lượng cung ứng từ trái phiếu doanh nghiệp là 8%. Hai nguồn huy động vốn này có sự sụt giảm suốt vài năm gần đây, so với mốc thời điểm năm 2019, mức giảm lần lượt là 3,1% và 12,28%.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong vòng 10 năm (giai đoạn đó, mức tăng trưởng vào khoảng 20%/năm) với tổng doanh thu toàn thị trường hơn 157.000 tỉ đồng. Tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ sụt giảm từ 2,67% năm 2022 xuống còn 2,31% vào cuối năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển như Mỹ (lên tới 12%), hay một số quốc gia trong khu vực như Singapore (9,65%), Malaysia (4,46%), theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ GWM đạt 3,5% GDP vào năm 2025, vì vậy, ngoài dư địa tăng trưởng cùng với nhịp điệu phát triển của nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách sẽ tạo điều kiện để đạt được kết quả này.

Nguồn vốn cho nền kinh tế cũng từ các quỹ tiết kiệm, bao gồm quỹ tín dụng nhân dân (vẫn tương đối khiêm tốn) và các nguồn phi chính thức mang tính chất tập quán như chơi hụi, cầm đồ...

Về các nguồn từ nước ngoài, đầu tiên là các nguồn trợ cấp, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các khoản viện trợ từ các tổ chức nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, châu Úc... Khi Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp, số lượng vốn ODA cũng như mức ưu đãi sẽ giảm, vậy nên, trong tương lai, nguồn cung ứng vốn này sẽ suy giảm.

Nguồn thứ hai từ nước ngoài vô cùng quan trọng là... kiều hối. Trong 30 năm từ năm 1993-2023, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt khoảng 206 tỉ đô la Mỹ (5,2 triệu tỉ đồng). Đáng lưu ý, kiều hối giúp người thân có xu hướng giảm, thay vào đó, kiều hồi đang hướng đến các hoạt động kinh doanh và đầu tư nhiều hơn.

Nguồn thứ ba từ nước ngoài là các nguồn từ thị trường tài chính Singapore, nơi Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế. Từ năm 2005 tới nay, Việt Nam mới phát hành ba đợt trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 2,75 tỉ đô la Mỹ vào các năm 2005, 2010 và 2014. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao ở khu vực và thế giới, môi trường chính trị ổn định và ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, dự án xanh, nếu lựa chọn phương án phát hành phù hợp, chúng ta có thể tiếp tục huy động vốn từ nguồn này.

Cuối cùng, một số doanh nghiệp Việt đã phát hành trái phiếu huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và đã tiến hành hoặc dự định niêm yết trên các thị trường chứng khoán ở các nước phát triển. Nếu kinh tế Việt Nam giữ được nhịp tăng trưởng, đây là một phương án để doanh nghiệp huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của họ.

Như vậy, ngoài việc phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn tín dụng ngân hàng trên GDP và lường trước sự suy giảm của các nguồn viện trợ ưu đãi, dư địa tăng trưởng của các nguồn cung ứng vốn khác, cả trong nước và quốc tế, vẫn rất dồi dào.

KTSG: Trong năm 2025, bức tranh thị trường vốn của Việt Nam sẽ ra sao? Xin ông đưa ra một vài nét khái quát...

- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt trên mức 7%, những sửa đổi trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong năm 2025... sẽ khiến thị trường vốn Việt Nam có những chuyển biến tích cực.

Vấn đề là làm sao chúng ta huy động được và sử dụng nguồn vốn đó tốt. Động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn đến từ đầu tư, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI, trong đó, vốn đầu tư công có tỷ trọng khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương 8,33% GDP, theo Tổng cục Thống kê năm 2023. Tỷ trọng này cao hơn bình quân của các nước phát triển (khoảng 5% GDP) và các nước đang phát triển (7-8% GDP). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) năm 2023 của Việt Nam vào khoảng 43,8%, thấp hơn mức trên 50% của các nước phát triển.

Nếu không cải thiện được các vấn đề này, sự phát triển của thị trường vốn sẽ thiếu bền vững, tiềm ẩn những nguy cơ nợ nần trong tương lai.

KTSG: Vậy thì để thị trường vốn Việt Nam lành mạnh, hiệu quả, chúng ta nên làm như thế nào?

- Hai điểm cần chú ý là cấu trúc và khung khổ pháp lý để giám sát thị trường. Tôi lấy ví dụ, tại Mỹ, ngoài thị trường vốn cổ phần đại chúng, nước này còn có thị trường vốn tư nhân dành cho các công ty chưa đủ điều kiện niêm yết hoặc chưa muốn niêm yết. Các nhà đầu tư, thường là các nhà tư vấn tài chính hoặc công ty quản lý quỹ, nhận sự ủy thác của các nhà đầu tư cá nhân, có nhiều lựa chọn đa dạng, với các quy định và thị trường khác nhau.

Trong đó, quỹ hưu trí được quản lý chặt chẽ, có nhiều ràng buộc trong đầu tư. Quỹ tài trợ và quỹ từ thiện linh hoạt hơn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn với các chiến lược rót vốn vào các quỹ đầu cơ, quỹ cơ hội đặc biệt, vốn cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các khoản đầu tư vào các công ty có mức vốn hóa cỡ lớn, cỡ vừa hay cỡ nhỏ đều bị giới hạn bởi các điều kiện trong hợp đồng mời đầu tư. Điều này cũng áp dụng với các quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn cuối và với các nhà đầu tư thiên thần.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật Chứng khoán Mỹ cũng giám sát các hoạt động phát hành cổ phiếu, IPO của các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đưa ra giao dịch trên thị trường vốn.

Nhìn chung, việc huy động vốn tại thị trường Mỹ được quản lý chặt chẽ, mỗi hình thức huy động vốn đều có một nhóm đối tượng và khuôn khổ pháp lý riêng.

Để huy động và sử dụng vốn từ thị trường bảo hiểm hiệu quả

KTSG: Xin được trao đổi thêm về huy động vốn thông qua thị trường bảo hiểm. Tại các nền kinh tế phát triển, thị trường này luôn là một kênh dẫn vốn quan trọng. Ông nhìn nhận thế nào về thị trường này tại Việt Nam?

- Trong nhiều năm, các công ty bảo hiểm là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất là Liên minh châu Âu (EU), chẳng hạn, năm 2013, tổng vốn đầu tư của các công ty bảo hiểm là hơn 85 tỉ euro. Các doanh nghiệp bảo hiểm nắm giữ khoảng 25% trái phiếu chính phủ, khoảng 21% trái phiếu doanh nghiệp của các quốc gia EU, đồng thời, nắm giữ một phần đáng kể trong tổng số cổ phiếu niêm yết và tài sản như hạ tầng khu vực. Tuy nhiên, vai trò này khác nhau theo từng quốc gia.

Tại Việt Nam, năm 2023, vốn từ thị trường bảo hiểm đầu tư lại nền kinh tế đạt trên 757.000 tỉ đồng (tương đương 7,5% GDP), chủ yếu từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (khoảng 690.000 tỉ đồng). Đáng lưu ý, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (60,8%).

Theo báo cáo Thị trường bảo hiểm 2023 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cơ cấu đầu tư của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có sự thay đổi lớn hơn, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ giảm mạnh từ 70% năm 2015 xuống còn 40% vào năm 2022, cùng với đó, tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi tín dụng ngân hàng tăng từ 19% lên 41%, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh tăng từ 1% lên 4% và trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh và cổ phiếu tăng từ 4% lên 12%. Có nhiều lùm xùm liên quan tới việc doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng thì phải mua bảo hiểm nhân thọ hay khách hàng than phiền mua nhầm bảo hiểm liên kết đầu tư vì cách tư vấn không rõ ràng.

KTSG: Rõ ràng, cần một tư duy đúng để phát triển kênh dẫn vốn thông qua thị trường bảo hiểm và điều này sẽ giúp khắc phục những tồn tại trên thị trường bảo hiểm hiện nay. Quan điểm của ông như thế nào?

- Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, một là vì thiếu nhân sự có kinh nghiệm, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước còn chập chững; hai là vì sự tham gia của các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài còn hạn chế.

Về phần bảo hiểm phi nhân thọ, các lĩnh vực bảo hiểm như hỏa hoạn, giao thông, bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm xe cơ giới... tuy có phát triển nhưng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Bảo hiểm chuyên chở hàng hóa xuất khẩu phần lớn vẫn còn do bên nhập khẩu ký hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài, với lý do cơ bản là được giải quyết bồi thường nhanh gọn hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần có chiến lược khai thác thị trường này để tận dụng lợi thế là nước xuất khẩu lớn trên thế giới.

Về phần bảo hiểm nhân thọ, những sự cố gặp phải là do vấn đề quản lý và khung khổ pháp lý để giám sát, đặc biệt là về bảo hiểm liên kết đầu tư. Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển tương đối mạnh, với mức tăng trưởng trên 6%/năm, bảo hiểm nhân thọ là một nguồn cung vốn trung và dài hạn cần được đặc biệt quan tâm.

Tóm lại, các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp bảo hiểm cần học hỏi nhiều hơn nữa các điều kiện, cơ chế cần thiết giúp ngành bảo hiểm Việt Nam tiến lên cùng với nhịp điệu và đáp ứng nhu cầu phát triển của toàn nền kinh tế.

Tốt nhất, chúng ta nên gửi nhân sự đi đào tạo để nắm bắt đầy đủ các quy tắc phát triển của ngành bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước nên nghiên cứu khả năng hợp tác với các tập đoàn bảo hiểm quốc tế có nhiều kinh nghiệm và có chiến lược phát triển thị trường tiềm năng.

Những hợp đồng bảo hiểm thường được tái bảo hiểm trên khắp thế giới, đặc biệt là các hợp đồng lớn như khai thác dầu khí. Nếu không có hệ thống tái bảo hiểm tốt, ngành bảo hiểm Việt Nam chỉ loanh quanh trong giới hạn tài chính của mình và đương nhiên các hợp đồng lớn sẽ rơi vào tay các tập đoàn đa quốc gia.

KTSG: Để thị trường hoạt động hiệu quả, cần có sự hài hòa, thông suốt giữa huy động vốn thông qua các loại bảo hiểm và sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích. Các nước phát triển, chẳng hạn Mỹ, làm thế nào để tạo ra sự hài hòa, thông suốt này, thưa ông?

- Vốn từ các doanh nghiệp bảo hiểm khi đầu tư vẫn phải tuân thủ các quy định chung trên thị trường vốn của Mỹ, tức là chịu sự quản lý chặt chẽ, có khung phổ pháp lý ứng với từng loại hình huy động như đã đề cập ở trên.

Về cơ bản, danh mục đầu tư hàng đầu của các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp bảo hiểm là trái phiếu, nhất là với bảo hiểm nhân thọ. Năm 2023, khoản đầu tư này chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu bảo hiểm; tiếp đến là chứng khoán phổ thông (gần 14%); thế chấp (9%); tài sản theo biểu BA (khoản đầu tư dài hạn được báo cáo trên biểu BA của báo cáo tài chính của ngân hàng) (6,3%); tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn (5,5%)... Mức rót vốn vào các khoản đầu tư có rủi ro cao rất thấp, chẳng hạn, với cho vay chứng khoán chỉ ở mức 0,3%.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ong-bui-kien-thanh-vai-goi-y-cho-thi-truong-von-viet-nam/