Ông Bùi Ngọc Bảo: Hai bộ đã làm tròn trách nhiệm, vấn đề là ở nghị định

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nêu ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, muốn sửa đổi nghị định thì phải đánh giá được những tồn tại của những nghị định trước đó.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Với ý kiến về chiết khấu, ông Bùi Ngọc Bảo nói rằng: "Một số doanh nghiệp bán lẻ yêu cầu khi sửa đổi nghị định thì phải có quy định chiết khấu. Nhưng cái này có phải là nhà nước cho doanh nghiệp đâu mà yêu cầu Nhà nước phải quy định vào Nghị định? Cái này là lấy từ túi doanh nghiệp khác".

Hệ thống bán lẻ tổng nhu cầu 22 triệu lít xăng dầu, trong đó qua hệ thống bán lẻ khoảng 70%. Đây chính là cứ điểm quan trọng nhất trong sản xuất kinh doanh. Việc không đủ chi phí để trả chiết khấu là cực chẳng đã, vì doanh nghiệp đầu mối không có gì để chi cả.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong năm 2022 đều thực hiện rất tốt chức năng của mình theo quy định của Nghị định, đã làm tròn trách nhiệm. Như vậy tồn tại là nằm ở Nghị định chứ không phải vấn đề của hai bộ. Để góp ý cho việc sửa đổi Nghị định này, Hiệp hội đã có ý kiến lên ban soạn thảo. Trong đó Hiệp hội cho rằng ít nhất phải sửa đổi 10 điều khoản tại Nghị định 95.

Đơn cử, ông Bảo cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông trong 20 ngày. Do đó, để đủ chi phí cho doanh nghiệp, không quan trọng việc điều hành giá xăng dầu trong 5 hay 7 ngày mà là giá xăng dầu phải tính bình quân trong 20 ngày tồn kho của doanh nghiệp đầu mối, theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Còn nếu không tính đủ trong 20 ngày, họ lỗ thì sẽ không còn tiền trả chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu

Với vấn đề chi phí, ông Bảo cho rằng nên để doanh nghiệp tự cộng và công khai chi phí. Nhà nước chỉ nên quản lý các yếu tố như phụ phí, premium... Hiện nay Bộ Tài chính đang sử dụng chi phí doanh nghiệp báo cáo lên nhưng lại lấy bình quân của các doanh nghiệp thì không đúng, vì mỗi doanh nghiệp có chi phí khác nhau. Do đó, nếu như để doanh nghiệp tự tự công bố chi phí thì doanh nghiệp sẽ không rơi vào tình trạng thiếu chi phí sản xuất kinh doanh, bị lỗ và cũng sẽ đảm bảo được chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Đối với vấn đề nhiều đại lý bán lẻ đang có ý kiến là muốn được lấy hàng từ nhiều nguồn, ông Bảo lý giải, theo Luật Thương mại, đại lý chỉ là của một doanh nghiệp. Nếu quy định đại lý được lấy từ 3 nguồn hoặc hơn thì trái luật. Chưa kể, nếu lấy từ 3 nguồn, 3 giá khác nhau thì bán giá như thế nào? Đại lý sẽ treo logo của ai? Doanh nghiệp có đảm bro được chất lượng xăng dầu hay không? Muốn làm như vậy thì phải hình thành các nhà bán lẻ độc lập, muốn đeo thương hiệu của ai cũng được. Nhưng hình thành doanh nghiệp độc lập không dễ dàng, vì doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo quản lý được chất lượng nguồn hàng, chủ động xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ong-bui-ngoc-bao-hai-bo-da-lam-tron-trach-nhiem-van-de-la-o-nghi-dinh-242393.html