Sôi động xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu đầu năm

Những ngày đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh diễn ra sôi động, thuận lợi. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn…

Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh, Văn Lãng (Lạng Sơn) kiểm tra, hướng dẫn xe chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu.

Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh, Văn Lãng (Lạng Sơn) kiểm tra, hướng dẫn xe chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu.

Đây cũng là thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ với lượng hàng hóa lưu thông lớn, cho nên các ngành chức năng tại cửa khẩu đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết thủ tục nhanh gọn, thông thoáng nhằm phục vụ tốt thông quan hàng hóa.

Điều tiết linh hoạt hàng nông sản xuất khẩu

Phó Trưởng ban quản lý Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Những ngày đầu năm 2025, trung bình các cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa đạt hơn 1.300 xe/ngày (cao điểm một số ngày đạt hơn 1.500 xe), tương đương khoảng 25.000-30.000 tấn hàng hóa/ngày, chủ yếu là nông sản xuất khẩu. Số hàng hóa này chủ yếu được thông quan qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh, Văn Lãng (Việt Nam)-Pò Chài, Quảng Tây (Trung Quốc).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn thường xuyên trao đổi, tổ chức hội đàm với Ban Quản lý Khu Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) để thảo luận về tình hình thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và các lối thông quan, đường chuyên dụng. Bên cạnh đó, bàn bạc các giải pháp thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa trong thời điểm cuối năm như: Tối ưu hóa quy trình kiểm tra, kiểm dịch; tăng thời gian làm việc trong thời gian cao điểm; điều tiết linh hoạt hàng hóa xuất, nhập khẩu của hai bên, nhất là các mặt hàng trái cây, nông sản.

Tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh-Pò Chài (khu vực mốc 1088/2-1089), riêng trong ngày 6/1, tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan là 417 xe, chủ yếu là trái cây như mít, dưa hấu, sầu riêng... Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Hữu Nghị Quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh-Pò Chài (khu vực mốc 1088/2-1089) tiến hành rà soát, tối ưu hóa hơn nữa quy trình kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu suất thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lên khoảng 450-500 xe/ngày. Đồng thời thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực thông quan, không để xảy ra ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là dịp cao điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Trong khi đó, theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành trong những ngày đầu năm 2025 diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu túc trực đủ quân số theo quy định, hoàn thành thủ tục nhanh nhất, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Tại tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái cũng được duy trì hoạt động bình thường, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Thúc đẩy thương mại hàng hóa qua cửa khẩu

Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài cho biết: Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua các cửa khẩu của tỉnh năm 2024 đạt 66,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2023. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là số kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ tỉnh Lạng Sơn mà theo Bộ Công thương, hiện quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đều tăng trưởng mạnh mẽ, đạt giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng thương mại song phương, phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh biên giới và đặc biệt giúp cải thiện rất nhiều đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới.

Trong giai đoạn hiện nay, hàng hóa nông sản trao đổi qua biên giới ngày càng phong phú, đa dạng như cao-su và các sản phẩm từ cao-su, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, trái cây tươi các loại, thủy sản, gỗ ván bóc...; đội ngũ doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh thương mại biên giới cũng ngày một lớn mạnh. Do đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới; có chính sách thu hút đầu tư để xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại, đầy đủ các chức năng như: Vận tải, kho bãi, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch... theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), các tỉnh cần tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số nhằm giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa; liên tục cập nhật, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc và các thị trường nước ngoài có tiềm năng, từ đó định hướng hoạt động sản xuất, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.

Có phương án hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật những kiến thức mới, những quy định mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới cho các lực lượng chức năng, cán bộ quản lý và các doanh nghiệp của hai nước.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm nền tảng “Cửa khẩu số” để quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn tuyến biên giới phía bắc; đồng bộ việc quản lý, kiểm tra, giám sát giữa dòng chảy dữ liệu và dòng chảy vật chất về phương tiện, hàng hóa, từ đó có phương án điều tiết hàng hóa phù hợp, tránh tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu.

Bài, ảnh: ÁNH TUYẾT và HÙNG TRÁNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/soi-dong-xuat-khau-nong-san-qua-cua-khau-dau-nam-post855318.html