Ông Bùi Sỹ Lợi: Chỉ nên tăng giờ làm ở 4 lĩnh vực đặc thù, trọng điểm
Theo ông Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) chia sẻ: 'Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không đảm bảo sức khỏe. Nhưng làm như thế chẳng khác nào lúc trẻ người lao động bỏ sức ra kiếm tiền, đến già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe'.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội xung quanh Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này với quy định làm thêm giờ theo dự thảo Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm tối đa), ông Bùi Sỹ Lợi cho biết mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi: "Việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để các Đại biểu thấy rằng việc tăng giờ làm không phải đại trà. Chính phủ thấy những ngành nghề nào cần thiết thì Quốc hội giao cho Chính phủ cho làm, nhưng phải quản chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của người lao động (NLĐ)".
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, việc tăng giờ làm thêm chỉ tập trung một số ngành nghề, lĩnh vực và không phải tăng cả năm, tập trung ở 4 ngành trọng điểm gồm: dệt may, thủy sản, da giày, điện tử. Ông Lợi cũng dẫn chứng, đối với ngành thủy sản chỉ làm trong 4 tháng, sau đó lại nghỉ 3 tháng mới đến vụ.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho biết: "Quan điểm của UBTVQH dứt khoát không đặt vấn đề tăng thời gian làm thêm và trong suốt thời gian vừa qua, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm. Đó là vì để đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động cho NLĐ".
Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực tế không chỉ chủ lao động mà NLĐ cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống. Nhưng pháp luật phải quy định để đảm bảo sức khỏe của NLĐ. Doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với NLĐ và ngược lại. NLĐ làm thêm một chút nhưng doanh nghiệp cũng phải tuyển thêm lao động…
Nhấn mạnh về thực tế, ông Lợi nói: "NLĐ cũng vì đồng tiền mà chạy theo để làm thêm giờ. Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân thì gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không đảm bảo sức khỏe. Như vậy chẳng khác nào NLĐ lúc trẻ bỏ sức ra kiếm tiền, lúc già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe".