Ông cha ta đánh giặc: Đột ấp, bám trụ địa bàn đánh giặc

Nhằm chống phong trào nổi dậy và chiến tranh du kích của nhân dân miền Nam, đầu thập niên 1960, Mỹ-ngụy lập ra 'ấp chiến lược', đây được coi là quốc sách của chúng. Giai đoạn 1964-1968, địch chuyển sang thực hiện chính sách 'ấp đời mới', 'ấp tân sinh', đó là sự nối tiếp 'ấp chiến lược' ở quy mô nhỏ hơn.

Tuy khác nhau về quy mô, tên gọi nhưng bản chất là giống nhau, đều là khu dồn dân ở nông thôn để tách biệt với quân du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hạn chế Quân Giải phóng xây dựng cơ sở hoạt động, ngăn chặn việc người dân tiếp tế cho du kích.

Cuối năm 1967, các đơn vị thuộc Sư đoàn 1, Quân Giải phóng miền Nam hành quân từ miền Đông về miền Tây Nam Bộ làm nhiệm vụ. Tại đây, "ấp tân sinh" được chúng kiểm soát chặt chẽ, các cơ sở cách mạng gặp nhiều khó khăn, nhiệm vụ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội là vấn đề nan giải. Địch chiếm giữ thành thị, nơi đông dân cư, ngăn chặn giao thông đường bộ, đường thủy, tổ chức canh gác không cho bộ đội tiếp xúc với dân; cấm xe bò, xe kéo, xe đạp và cả những người đi vào rừng núi mà chúng nghi là có bộ đội đóng quân ở đó. Chúng dọa nếu ai đi vào khu vực cấm thì bắn chết, làm nhân dân lo sợ, không dám tiếp tế cho bộ đội. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của Sư đoàn 1 vì thiếu gạo, thiếu đạn. Trong khi đó, thương binh ngày một tăng, bệnh xá của Sư đoàn có thời điểm tiếp nhận hàng trăm đồng chí thương binh.

Được sự hỗ trợ của bộ đội, du kích, đồng bào miền Nam nổi dậy phá "ấp chiến lược". Ảnh tư liệu

Được sự hỗ trợ của bộ đội, du kích, đồng bào miền Nam nổi dậy phá "ấp chiến lược". Ảnh tư liệu

Trước tình hình địch kiểm soát, ngăn chặn gắt gao, để có gạo phục vụ bộ đội, vào những ngày mùa, đơn vị cử người cùng với bộ phận hậu cần ra đồng mua lúa của dân đem về tự giã thóc lấy gạo nuôi quân. Sau ngày mùa, các đơn vị cho trinh sát liên hệ với du kích địa phương tổ chức đột ấp mua gạo. Để vào ấp, lực lượng trinh sát cùng với du kích phải nắm chắc tư tưởng, dư luận của dân; nắm quy luật hoạt động của địch, phòng tránh phục kích...

Có những lần bộ đội tập trung ở ven rừng đợi hàng chục tiếng đồng hồ rồi lại nhận lệnh trở về nơi đóng quân vì chúng canh gác, tuần tra kiểm soát chặt chẽ. Khi đột ấp, chỉ huy phân công từng tổ cảnh giới ở các ngã ba, ngã tư và luôn trong tư thế chiến đấu. Nhờ sự đùm bọc của nhân dân, cùng với sự kiên trì, dũng cảm, biết vượt khó khăn, thử thách, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã bám trụ địa bàn, xây dựng cơ sở, từng bước đánh bại lực lượng địch, mở rộng vùng giải phóng.

HOÀNG CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-dot-ap-bam-tru-dia-ban-danh-giac-722205