Ông chủ Lịch xuân Phương Nam và khát vọng thực phẩm sạch cho người Việt
Tại sao lịch làm cho người Việt sử dụng lại phải dùng chữ Tàu? Tại sao người Việt cứ 'giết nhau' bởi thực phẩm bẩn? Thành công đến khởi nguồn từ việc trả lời những câu hỏi khó.
Làm thuê, từ đổ nát dựng lại cuộc đời
Khởi nghiệp năm 2008 từ một xưởng in kém hiệu quả, thiết bị lạc hậu, xông vào một thị trường đã rất cũ, nhưng có vẻ như cú “lội ngược dòng” thành công với hơn 300 mẫu thiết kế lịch độc đáo nhất thị trường đã khiến cái tên Lịch xuân Phương Nam nổi bật trong các “nhà” làm lịch “có máu mặt”.
Chàng sinh viên tỉnh lẻ, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành in Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, không có cơ hội về quê phục vụ, thành thử phải bám trụ lại Sài Gòn đi làm thuê cho các công ty như bao nhiêu bạn bè khác. “Cho tới khi về làm điều hành cho công ty in tại quận 11, nơi đã từng là địa chỉ in gia công lịch hàng đầu cả nước, tôi mới chợt nghĩ: Tại sao mình lại không tạo ra dòng sản phẩm lịch riêng cho công ty, thay vì đi in thuê?” – Nguyễn Hà Quốc Anh bùi ngùi nhớ lại.
Lịch xuân Phương Nam tham gia thị trường khá muộn, khi những doanh nghiệp làm lịch khác đã chiếm lĩnh thị trường và một số doanh nghiệp làm lịch khác cũng đã “mệt mỏi” với dòng sản phẩm này. Khởi đầu bao giờ cũng tồn tại đầy rẫy nguy cơ, rủi ro, nợ nần càng lúc càng chất lên như núi.
Giám đốc Nguyễn Hà Quốc Anh trăn trở với từng ý tưởng lịch xuân
Niềm vui khi kiểm tra lại chất lượng thành phẩm của lịch xuân
“Áp lực của thị trường dành cho “ma mới” quá kinh khủng, nhất là việc khống chế các đại lý phát hành. Ngay từ mùa lịch đầu tiên, tôi đã lao đao, cầm chắc phá sản vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, dù đã bỏ công đi khắp trong Nam ngoài Bắc để chào hàng và ký gửi từng cuốn lịch” – Nguyễn Hà Quốc Anh kể.
“Cho đến khi tôi phát hiện ra sự thật mà chồng mình luôn muốn giấu để vợ bớt lo lắng, thì cũng là lúc bụng bầu vượt mặt. Đứng giữa xưởng in tồi tàn, chỉ muốn khóc mà không khóc nổi. Đành xắn tay áo lên cùng chồng dọn dẹp lại cuộc đời” – nhà thiết kế Đặng Thiên Thư, học trò của họa sĩ tên tuổi Nguyễn Tri Phương Đông hồi ức.
Không như mọi người nghĩ, dù bán hàng chỉ một dịp cuối năm nhưng làm lịch là chuyện của cả mười tháng trước đó. Nhiều người bảo, làm lịch chỉ cần lấy mẫu cũ, thêm thắt vài thứ và sửa lại ngày, tháng là xong, nhưng thực tế không phải vậy. Làm lịch trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn và cạnh tranh vô cùng gay gắt, do vậy, từ thiết kế đến tạo hình..., tất cả đều phải dành thời gian kỳ công đầu tư. Dần dần, từng ý tưởng của đôi vợ chồng Đặng Thiên Thư - Nguyễn Hà Quốc Anh càng lúc càng khẳng định được sức bật của ý tưởng mới mẻ.
Qua thời lịch thuần Việt bị “đánh hội đồng”
Thị trường lịch giống như một chiếc bánh đã được chia phần, mỗi đơn vị “cát cứ” một phân khúc. Và thương hiệu mới bị “đánh hội đồng” là chuyện… quá bình thường.
“Tham gia vào thị trường, nhiều khi tôi có cảm giác mình đang bơi giữa một đại dương mênh mông, không điểm bám, không người thân, không người dẫn đường. Nghĩ mãi rồi quyết định: Phải đổi mới trong thiết kế. Tôi đã chọn thế mạnh của mình - sức sáng tạo không giới hạn làm “vũ khí” cạnh tranh - Doanh nhân Nguyễn Hà Quốc Anh chia sẻ - May mắn là tôi có được người bạn đời tận tâm, hết lòng yêu thương tôi, những lúc tôi gặp thất bại như thế đã không hề trách móc mà còn động viên, khuyến khích tôi làm lại”.
Mỗi cuốn lịch của Phương Nam là một câu chuyện khác biệt: Biển đảo Việt Nam, 365 ngày ngọt ngào (giới thiệu các món bánh, mứt Việt Nam), 365 ngày xuyên Việt (giới thiệu danh thắng nước nhà), 365 mẫu tiền tệ quốc tế, Sơn Đoòng- Thiên đường trong lòng đất, 180 bài đồng dao... Ấp ủ những đề tài truyền thống, thương làng nghề đang ngày càng mai một trong cơn lốc công nghiệp hóa, Nguyễn Hà Quốc Anh làm bộ lịch về làng nghề, bởi nếu không thì: “Biết đâu sau này, chúng ta sẽ chỉ thấy được đời sống làng nghề qua công tác mô phỏng, trình diễn phục vụ du lịch?”
“Tôi cho rằng lịch Việt phải dành cho người Việt, nghĩa là không nhất thiết phải có chữ Tàu như trước nay vẫn thế. Ban đầu, việc này bị các đại lý phản ứng dữ dội vì... không giống như bình thường, nhưng khi người dùng chấp nhận thì mọi chuyện đã khác. Những mùa lịch gần đây, nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu “không được có chữ Tàu trên lịch” – Nguyễn Hà Quốc Anh vui vẻ bộc bạch.
Trong năm năm liên tục, doanh số công ty luôn đạt mức tăng trưởng 15% so với năm trước. Nhưng Lịch Xuân Phương Nam chỉ mới chiếm một phần thị phần của khối khách hàng doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa bởi thị trường có rất nhiều rủi ro. Kinh doanh mùa vụ đòi hỏi doanh nghiệp phải huy động vốn lớn, tích trữ vật tư, tập trung cho công tác bán hàng...” – giám đốc Lịch xuân Phương Nam giản dị nói.
Nguyễn Hà Quốc Anh đúc kết: “Điều tôi theo đuổi khi bước chân vào thị trường không phải là những con số mà là lòng đam mê. Tôi luôn bị thôi thúc bởi ý tưởng làm thế nào để trả lại đúng bản sắc Việt cho những cuốn lịch vốn đã và đang gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Việt. Tham gia kinh doanh văn hóa phẩm là vì tôi muốn giữ phẩm chất văn hóa trong kinh doanh. Đừng dùng thủ đoạn, cho dù sẽ nhanh chóng thành công và giàu có. Mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của tôi nằm ở con người, xây dựng văn hóa ứng xử đẹp làm nền tảng”.
Thực phẩm sạch cho người Việt
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện thương hiệu mới – Thực phẩm Baka, chuyên cung cấp các nguồn thức ăn sạch như nước mắm Cá Linh, khô cá lóc, khô cá sặc, khô cá trèn, các loại mắm đặc sản của miền Tây Nam Bộ…
Tại sao ông chủ đã thành danh của Lịch xuân Phương Nam bỗng nhiên rẽ hướng sang kinh doanh dòng sản phẩm mới mẻ nhưng có độ cạnh tranh gay gắt trên thị trường như thực phẩm sạch?
Sinh trên mảnh đất đầu nguồn phù sa, vùng nước lũ Châu Đốc, An Giang, ở trong Nguyễn Hà Quốc Anh vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm tươi đẹp về vùng quê thân thương. Cá Linh chỉ về có một mùa kéo dài khoảng một tháng trong năm nên rất quý. Mùa lũ về, đối với người dân miền Tây lại là mùa thu hoạch với rất nhiều đặc sản hòa vào dòng nước đổ về khắp đồng bằng rộng lớn.
“Thời nay, người Việt mình “giết nhau” bằng thực phẩm bẩn tràn lan” – Doanh nhân Nguyễn Hà Quốc Anh trăn trở. Nhớ quê, và mong muốn bà con được hưởng những thực phẩm chế biến sạch, đảm bảo cho sức khỏe người dùng, Quốc Anh lặn lội đi tìm nguồn cung cấp an toàn từ chính những người thân trong gia đình nơi quê nhà để gây dựng thương hiệu thực phẩm Baka.
“Công việc này giúp những người nông dân và sản xuất nhỏ ở tỉnh lẻ đưa được sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng mà không bị lẫn vào dòng thực phẩm bẩn chỉ mong kiếm lời trên thị trường” – Nguyễn Hà Quốc Anh nói.
“Cái khắc nghiệt nhất là thời nay, ai cũng nhận mình làm sạch, ngay cả những người bán hàng online. Thị trường hỗn độn, rối mù, thiếu chuẩn nên người tiêu dùng không biết đâu là sạch thật. Toàn bộ thực phẩm của Baka đã có kiểm định của cơ quan chức năng, dán tem chống giả, có bảo hành, người tiêu dùng có thể đổi trả nếu sản phẩm có vấn đề. Trên trang Bakafood.com, chúng tôi đăng tải nhiều bài viết hướng dẫn người tiêu dùng để họ phân biệt được nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chế biến, đặc điểm nhận dạng, mong người tiêu dùng ngày một tăng thêm hiểu biết về thực phẩm sạch” – Nguyễn Hà Quốc Anh tâm huyết nói.