Ông chủ 'ốc đảo' ngựa bạch
Bán trái cây, lái máy cày thuê, buôn bò… là những nghề mà thanh niên 30 tuổi Nguyễn Văn Hậu trải qua. Vượt thử thách, anh trở thành ông chủ một 'ốc đảo' ngựa bạch, mỗi tháng lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Bác sĩ ngựa
Một thanh niên khỏe mạnh, da mặt sạm nắng, quần áo đầy bùn đất, mái tóc dài đã lâu ngày chưa cắt, cưỡi chiếc xe máy cà tàng ra đón chúng tôi ở chân đèo Tô Na (huyện Krông Pa, Gia Lai). Thoạt nhìn, không ai nghĩ đó là anh Hậu, ông chủ tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên mảnh đất khô cằn mệnh danh là “chảo lửa” Tây Nguyên.
Xuống sông, anh Hậu lái chiếc xuồng “chế” chở chúng tôi và 5 đối tác từ Đắk Lắk đến tham quan, hợp tác. “Các anh nhìn kìa, trang trại ngựa bạch của em chỉ cách quốc lộ 25 khoảng 600m. Rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển. Vùng đất này rộng gần 40 ha, có 5 hộ dân sinh sống làm ăn, được bao bọc bởi con sông Ba nên mọi người vẫn thường gọi là ốc đảo. Trên ốc đảo này em mới chỉ mua được gần 5 ha, nếu ai chịu bán đất em sẽ mua thêm để mở rộng trang trại. Em không mua đất của người làm ăn giỏi, mà hợp tác để họ cùng phát triển” - Anh Hậu nói.
Địa điểm anh Hậu làm trang trại ngay dưới chân đèo Tô Na trùng điệp đồi núi, phía dưới được bao bọc bởi dòng sông Ba uốn lượn. Ngồi trên xuồng, một đồng nghiệp của tôi phải thốt lên: “Đúng là Hạ Long trên núi”. Địa điểm này cũng được dân câu cá rất thích vì thường xuyên câu được cá khủng, hằng ngày, cứ lúc nắng chiều dịu là những “cần thủ” rủ nhau đến thả câu.
Dẫn chúng tôi đi quanh trang trại đặc biệt, anh Hậu chia sẻ: Để có thu nhập như bây giờ, anh phải đầu tư dần, tổng cộng hơn 4 tỷ đồng. Ốc đảo được bao bọc bởi sông Ba, bệnh dịch rất khó lây lan tới. Bởi vậy, 100 con dê nái khỏe mạnh, 3 hecta trồng cam đều phát triển rất tốt. Đặc biệt việc nuôi 20 con ngựa bạch đang hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Hậu, nơi đây có khí hậu nóng rất thích hợp để ngựa phát triển.
Gần đây anh Hậu đã nấu được 40kg cao ngựa bạch, mỗi kg có giá 20 triệu đồng tặng, bán cho bạn bè, người thân. “Thật ra những con ngựa nào không sinh sản được em mới nấu cao. Những con khỏe mạnh sẽ để lại để gây giống. Vì ngựa bạch đắt đỏ, hơn nữa, muốn mang một con về vùng hẻo lánh này khó khăn trăm bề. Trong trang trại của em, chú ngựa bạch Tây Tạng là đắt nhất, giá hơn 200 triệu đồng. Nên giờ sẽ dồn toàn lực để phát triển nguồn giống trước” - Anh Hậu giải thích.
Để có những con vật béo khỏe, anh Hậu nói ngắn gọn: “Em chỉ có bí quyết duy nhất là yêu thương động vật”. Xuất phát từ yêu thương, anh Hậu mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, chuyên gia. Sau một năm tìm hiểu về loài ngựa bạch, anh Hậu trở thành “bác sĩ” cho đàn ngựa của mình. Nhiều lần anh Hậu gọi bác sĩ thú y tới, nhưng bác sĩ cũng bó tay vì chưa bao giờ chữa bệnh cho ngựa bạch.
Bây giờ chú ngựa nào đau, anh chỉ cần nhìn qua là biết bệnh, rồi mua thuốc về tự tiêm. Mỗi loại bệnh, anh tự tìm công thức điều trị riêng. Như bệnh hà móng, anh Hậu nói chỉ cần trà sạch, lấy đá cát ra hết, đổ nhớt thải vào là ngày mai con ngựa đi lại khỏe. Da trầy chỉ cần ngăn không cho ruồi đậu vào, sau đó bôi dầu phộng là khỏi,…
Táo bạo mở lối
Sau những thăng trầm, hiện giờ trang trại cùng cơ sở làm cồn cho anh Hậu doanh thu mỗi tháng hơn 100 triệu đồng. “Lúc mua đất mọi người nói em phải tính kỹ vì vùng này bị cô lập, nhưng em thấy cái hay đặc biệt của ốc đảo nên đánh liều. Hiện mong muốn lớn nhất của em là qui hoạch nơi đây thành khu du lịch sinh thái với các loại động vật đặc hữu của Tây Nguyên. Sắp tới, em sẽ làm 10 căn nhà sàn, đồng thời nhập nai, lạc đà, hươu sao…về đây nuôi để mọi người đến tham quan” - Anh Hậu chia sẻ.
Để được như bây giờ, anh Hậu phải trải qua biết bao vất vả. Thời cắp sách, anh bị liệt vào diện học sinh cá biệt vì phá phách, đánh nhau. Sau khi tốt nghiệp PTTH, anh Hậu không theo được con đường học tập nữa, mà về chạy máy cày thuê.
Nhớ lại quá khứ, anh Hậu kể: Năm 2012, em quyết định đổi đời bằng cách đi tìm trầm. Trầm đâu chưa thấy đã bị sốt rét nên lại quay về buôn trái cây, bán sang Trung Quốc kiếm lời. Lúc mua bán, người Trung Quốc luôn muốn hàng phải tươi đẹp, mà tươi đẹp phải dùng thuốc. Lương tâm không cho phép, em lại khăn gói trở về mượn tiền để buôn bò. Chẳng may bò dịch, có đêm chết đến 3 con...
Anh Hậu mày mò đi học nghề làm cồn. Sau khi mở được một cơ sở làm cồn nhỏ, anh Hậu dần trả được những khoản nợ, rồi tiếp tục dành dụm mua “ốc đảo” làm trang trại.
Sau những lần trắng đêm tìm hiểu về những loài vật hợp với vùng đất có khí hậu nóng, anh Hậu quyết định qua Trung Quốc tìm mua ngựa bạch tạng. Rồi anh nuôi dê, gà, nai, trồng cam… Cần cù báo đáp, bây giờ anh là một trong những doanh nhân trẻ thành đạt của tỉnh Gia Lai.
Ông Trần Văn Trong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai đánh giá: Hậu là người rất đam mê học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những anh chị đã thành đạt. Hội luôn khuyến khích, động viên doanh nhân trẻ táo bạo, có những bước đi độc lập, đồng thời tạo điều kiện, tìm nguồn vốn để hỗ trợ. Sắp tới, hội thành lập đoàn xuống thăm, đánh giá, sau đó đưa ra những lời khuyên, định hướng để phát triển mô hình ngựa bạch đầu tiên tại Gia Lai theo hướng hiệu quả, chất lượng.
Ông Dương Ngọc Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết: Ở Gia Lai chưa có mô hình nào nuôi ngựa bạch. Anh Hậu là người đầu tiên đem mô hình này về Gia Lai. Điều nay rất đáng khích lệ và địa điểm nuôi là vùng “chảo lửa” tương đối phù hợp với sự phát triển của ngựa bạch.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ong-chu-oc-dao-ngua-bach-1456852.tpo