'Ông chủ' Sơn Tinh
Bằng nghị lực phi thường, anh Vũ Văn Tinh, thương binh nặng hạng 1/4, quê ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã vươn lên, trở thành ông chủ của Garage Ô tô Sơn Tinh, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Vượt qua thương tật
Xe ô tô của Phòng Chính sách (Cục Chính trị Quân khu 3) đưa chúng tôi về TP Thái Bình và dừng trước cửa Garage Ô tô Sơn Tinh. Tấm biển to cùng nhà xưởng rộng ở ngay mặt đường số 713 phố Long Hưng, phường Hoàng Diệu. Đã được thông báo trước nên anh Vũ Văn Tinh, chủ cơ sở Garage Ô tô Sơn Tinh đã chờ sẵn đón chúng tôi ở cửa, rồi dẫn về phòng khách nhà riêng của anh.
Trong căn nhà khang trang, anh Vũ Văn Tinh trưng bày nhiều hiện vật, quà lưu niệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương tặng. Theo giới thiệu của chủ nhà, các đồng chí Chủ tịch nước: Trần Đức Lương (năm 2002) và Nguyễn Minh Triết (năm 2007) đã đến thăm, tặng quà thương binh Vũ Văn Tinh tại tư gia. Các đồng chí Trần Đình Hoan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Kim Ngân khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác ở Thái Bình cũng đến thăm hỏi, tặng quà động viên anh. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đến thăm gia đình anh và Garage Ô tô Sơn Tinh. Các cuộc viếng thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương là một trong những động lực để thương binh Vũ Văn Tinh vươn lên, phấn đấu làm nhiều việc tốt, góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động.
Có được cơ ngơi như ngày nay, thương binh Vũ Văn Tinh đã trải qua những ngày gian khó, có lúc tưởng như phải bỏ cuộc, không thể gượng nổi. Nhưng tinh thần, ý chí, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ đã giúp anh vượt qua.
Anh nhớ lại quãng đời quân ngũ:
- Tôi nhập ngũ tháng 7-1977, biên chế về Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Cùng đợt nhập ngũ với tôi còn có 360 đồng chí, quê ở thị xã (nay là thành phố) Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Hưng Hà (Thái Bình). Chúng tôi trải qua hơn một tháng huấn luyện chiến sĩ mới ở Trảng Lớn (Tây Ninh) thì được bổ sung cho các đơn vị và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trận chiến đấu đầu tiên của tôi với quân Pol Pot xâm lược diễn ra vào ngày 25-9-1977, khi địch vượt qua Cửa khẩu Mộc Bài, đánh lấn vào thị trấn Bến Cầu (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Trong trận chiến đấu này, tôi bị thương nhẹ. Sau khi điều trị, tôi được trở lại đơn vị, tiếp tục chiến đấu.
- Vậy anh bị thương nặng trong trường hợp nào?-Tôi hỏi.
- Đó là trận đánh địch ở Đường số 13 địa phận Tây Ninh, ngày 25-2-1978. Trận chiến đấu này rất ác liệt, địch sử dụng xe tăng tiến công ta, đồng thời chúng còn gài mìn dày đặc. Tiểu đoàn 9 được giao nhiệm vụ mở cửa ở Đường số 13, tôi ở tổ hỏa lực, giữ súng B40 nhằm tiêu diệt xe tăng địch. 7 giờ sáng, Tiểu đoàn nổ súng. Trong quá trình vận động tiến công, tôi không may giẫm phải mìn của địch gài lại. Mìn nổ, tôi bị thương ở đầu và một mảnh găm vào phổi. Đơn vị đưa tôi về điều trị ở Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Tháng 1-1979, tôi được chuyển ra các cơ sở ở miền Bắc điều trị và an dưỡng. Khi vết thương dần hồi phục, tôi về quê và gặp Phạm Thị Tuyết, một cô gái xinh xắn, ở cùng xã Hoàng Diệu, huyện Đông Hưng (nay là phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình). Cảm động trước hoàn cảnh và thương tật của tôi, Tuyết đem lòng yêu mến và mong muốn mang đến cho tôi hạnh phúc. Chúng tôi cưới nhau năm 1979, tại quê nhà. Năm 1981, chúng tôi có con đầu lòng. Vợ tôi vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc tôi. Cuộc sống khó khăn, song bằng nghị lực và sự động viên của vợ, tôi nguôi ngoai nỗi đau. Năm 1984, tôi được xuất ngũ và về địa phương sinh sống. Với mức thương tật hơn 81% của tôi, vợ tôi được hưởng tiêu chuẩn nuôi dưỡng thương binh nặng...
Trở về quê, với tiêu chuẩn trợ cấp thương tật ít ỏi, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn. Vết thương của anh cứ trái gió trở trời là đau nhức, trong khi con còn nhỏ, vợ chưa có việc làm. Điều đó khiến Vũ Văn Tinh phải suy nghĩ, nỗ lực vượt qua thương tật để lao động, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tận dụng nhà mặt đường, anh mở quán sửa chữa xe đạp. May mắn là với tay nghề của anh, quán khá đông khách. Anh chịu khó vá săm xe, lộn xích, "đấu lốp" (có xe lồng hai đến ba lốp); rồi anh làm thêm việc hàn xì típ xe đạp, khung xe thồ... Anh khéo tay, làm nhanh, chỉ trong một giờ đã lộn xong một xích. Sau 3 năm (từ 1984 đến 1987), việc sửa chữa xe đạp không chỉ tạo ra thu nhập giúp trang trải cuộc sống mà anh còn có thể tích lũy đầu tư mua sắm thêm trang bị, dụng cụ cơ khí để chuyển sang nghề sửa chữa xe máy. Anh làm đủ các việc, từ sửa chữa thông thường đến "bổ máy", đại tu, làm khung sườn... Quán sửa chữa xe máy của anh có chất lượng tốt, giá cả phải chăng nên rất đông khách.
- Anh chưa được đào tạo nghề cơ khí, sao lại dám nhận xe máy để sửa và sửa tốt?-Tôi hỏi. Anh Vũ Văn Tinh bảo: - Tôi tìm mua sách về cơ khí, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sửa chữa xe máy, vừa tự học vừa thực hành. Khi đông khách, tôi tuyển chọn thêm lao động về làm. Đến năm 1987, cơ sở sửa chữa xe máy của tôi đã có hơn 30 người bao gồm thợ cả và thợ học việc. Vì sức khỏe không được tốt nên tôi nghiên cứu tài liệu rồi chỉ dẫn cho anh em. Họ làm những việc nặng, tôi xử lý những vấn đề kỹ thuật phức tạp. Cứ như vậy, tôi dần mở rộng lĩnh vực sửa chữa. Năm 1993, tôi bắt đầu chuyển sang sửa chữa ô tô, một quyết định táo bạo! May mắn là hồi ấy, những quy định về định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện đồng bộ khác chưa yêu cầu cao và quy chuẩn như bây giờ. Vậy là, tôi mở cơ sở sửa chữa xe ô tô với tên gọi Garage Ô tô Sơn Tinh. Đến nay đã 30 năm, Garage Ô tô Sơn Tinh không ngừng phát triển, trở thành thương hiệu uy tín ở TP Thái Bình...
Nặng lòng với đồng đội
Quyết định mở Garage Ô tô Sơn Tinh của thương binh Vũ Văn Tinh ban đầu gặp không ít khó khăn, đó là việc thiếu vốn đầu tư mua sắm, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ thợ tay nghề cao. Song một mặt "lấy ngắn nuôi dài", mặt khác, anh nhờ người tìm thợ giỏi về làm. Anh vừa làm, vừa tự học, ban đầu chỉ sửa chữa những hỏng hóc nhỏ của ô tô. Thời gian trôi qua, garage của anh từng bước tạo được uy tín, phục vụ chu đáo nên khách mang ô tô đến sửa chữa đông hơn. Anh có vốn nên dần đầu tư lắp đặt các trang thiết bị hiện đại hơn.
Khi Garage Ô tô Sơn Tinh phát triển, có đội ngũ thợ kỹ thuật tay nghề cao, anh nhớ đến đồng đội, nhận con em của họ vào làm việc và đào tạo nghề. Từ những năm 2000, anh là Chủ tịch Hội Thương binh nặng TP Thái Bình, Trưởng ban liên lạc Hội Đồng ngũ tháng 7-1977 tỉnh Thái Bình. Công việc giúp anh có điều kiện nắm rõ hoàn cảnh gia đình của các thương binh nặng và đồng đội nên anh chủ trương Garage Ô tô Sơn Tinh trở thành mái ấm của con em họ. Tính riêng giai đoạn 2015-2020, Garage Ô tô Sơn Tinh đã nhận vào làm việc và đào tạo hơn 100 con em thương binh và đồng đội của anh. Thu nhập đối với thợ lành nghề hơn 10 triệu đồng/tháng; thợ học việc từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Cơ sở trả tiền ăn trưa cho tất cả thợ chính và thợ học việc ở garage.
- Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là còn sống để trở về và làm việc. Vì vậy, giúp được thương binh, đồng đội, con em họ là trách nhiệm và nghĩa tình. Hiện nay, garage của tôi đang có gần 30 lao động, phần lớn là con em thương binh, liệt sĩ và đồng đội của tôi-Thương binh Vũ Văn Tinh cho biết.
Tham quan cơ sở sửa chữa ô tô của anh, tôi gặp anh Phạm Văn Thư, nhà ở phường Hoàng Diệu, đã gắn bó với garage hơn 10 năm qua. Năm 2013, anh Thư là con của một đồng đội được anh Vũ Văn Tinh nhận vào học việc, rồi trở thành thợ chính của garage. Còn với anh Phạm Xuân Hường, cũng ở phường Hoàng Diệu, sau khi xuất ngũ năm 2020, được giới thiệu về Garage Ô tô Sơn Tinh học việc, nay anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tay nghề tiến bộ, thu nhập ổn định với hơn 6 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, Garage Ô tô Sơn Tinh còn là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công; đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp của TP Thái Bình. Là một trong những thương binh nặng làm kinh tế giỏi của tỉnh Thái Bình, thương binh Vũ Văn Tinh 5 lần được bầu làm đại biểu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam; nhiều lần được thủ trưởng Bộ Quốc phòng gặp mặt, tặng quà và các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Thái Bình khen thưởng.
Khi viết bài này, tôi điện thoại hỏi thăm thương binh Vũ Văn Tinh. Rất không may, anh đang mắc bạo bệnh và bị vết thương hành hạ, hiện đang điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Công việc quản lý và điều hành Garage Ô tô Sơn Tinh anh giao cho vợ là chị Phạm Thị Tuyết quán xuyến. Chúng tôi mong anh sớm bình phục để tiếp tục trở lại với công việc, giúp đỡ nhiều hơn cho người lao động là con em của thương bệnh binh, liệt sĩ và đồng đội.