Ông chủ võng xếp Duy Lợi quyết không để sản phẩm của mình bị nhái
Sau khi thắng kiện về tranh chấp kiểu dáng công nghiệp của võng xếp với một người Nhật năm 2002, ngày 19/9/2005, doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi đã tiếp tục thắng kiện tại Mỹ trong tranh chấp bản quyền với một người Đài Loan. Không phải vì lý do đao to búa lớn nào mà đơn giản chỉ là ông chủ Duy Lợi rất ghét các cơ sở chuyên đi ăn cắp, làm nhái sản phẩm của người khác.
Liên tiếp thắng kiện
Nhiều năm trước, ông Lâm Tấn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, ông chủ của mặt hàng nổi tiếng Võng xếp Duy Lợi) đã tạo nên những tiếng vang ấn tượng, những cú đột phá trong bảo vệ thương hiệu bằng 2 vụ thắng kiện ngoạn mục ở Mỹ và Nhật.
Bất chấp thời điểm đó ông gặp nhiều khó khăn như nhà ở, xưởng sản xuất đều phải đi thuê, nhưng tinh thần của ông không hề nao núng khi quyết định đi kiện những người làm nhái sản phẩm của mình để bán ở nước ngoài.
Tháng 8/2002, khi đang xuất khẩu khung mắc võng sang thị trường Nhật Bản thì ông Lợi nhận được bản fax của một người tên là Johnson Miki yêu cầu ông ngưng ngay việc xuất khẩu cũng như sản xuất sản phẩm võng xếp.
Không thể để “đứa con đẻ” của mình bị người khác cướp mất, ông Lợi đã bỏ ra 8.000 USD làm chi phí và thuê Công ty Luật Phạm và Liên danh trợ giúp về mặt pháp lý. Đến tháng 4/2003, ông đã thắng kiện.
Tương tự, Võng xếp Duy Lợi đã từng xuất một container hàng sang Mỹ vào tháng 9/2001, sau đó không thấy đơn hàng nào từ Mỹ nữa. Nhờ luật sư tra cứu trên mạng, ông Lợi phát hiện ngày 15/10/2001, doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) đã đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ cho chiếc võng xếp có kiểu dáng y hệt võng xếp của Duy Lợi. Chính bằng sáng chế này đã khóa kín cánh cửa thị trường Mỹ với Duy Lợi và nhiều doanh nghiệp khác.
Đến ngày 22/10/2002, ông Cheng Sen Wu đã được phía Mỹ cấp bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng số 09/930,058. Khi có được văn bằng bảo hộ này, ông Wu đã gửi fax cấm doanh nghiệp Duy Lợi sản xuất khung mắc võng.
Đối chiếu với "khuyến cáo" của ông Wu, Công ty Võng xếp Duy Lợi phát hiện khung võng xếp mà ông Wu “khuyến cáo” chính là khung mắc võng do Duy Lợi sáng chế và được Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) cấp bằng sáng chế, đồng thời cho công bố kiểu dáng khung mắc võng trên Công báo số 147 với số công bố 3787.
Đã từng thắng kiện trong vụ xâm phạm bằng sáng chế võng xếp tại Nhật vào tháng 4/2003 để từ đó Duy Lợi khai thông được thị trường Nhật, ông Lợi tiếp tục ủy quyền cho Văn phòng luật sư Phạm và liên danh thực hiện các bước cần thiết yêu cầu Cơ quan Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) hủy hiệu lực Patent Mỹ số 6,467,109 do ông Wu nộp đơn ngày 15/8/2001.
Sau khi xem xét đơn và toàn bộ bằng chứng của doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi, ngày 19/9/2005, USPTO ra thông báo đã có đầy đủ cơ sở vững chắc để quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp số 6,467,109 đã được cấp cho ông Chen Sen Wu, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp Duy Lợi hoàn tất hồ sơ để được phía Mỹ cấp bằng bảo hộ.
Công bố của USPTO chỉ rõ, cơ cấu treo võng của ông Chung Sen Wu giống hệt với khung mắc võng của Duy Lợi. Kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của tác giả Lâm Tấn Lợi - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi - đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày nộp đơn 23/3/2000.
Trong khi đó, ông Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) cũng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ cho khung mắc võng có kiểu dáng tương tự vào ngày 15/8/2001.
Lúc đó, khi được hỏi về quyết tâm đi kiện dù biết chắc không tốn kém không ít tiền bạc, thời gian, công sức, ông nói: “Họ kiện mình nhiều cái vô lý như việc độc quyền cá ba sa thì cớ gì mình không dám bảo vệ sở hữu sản phẩm của mình trên đất của họ”.
“Là người thường xuyên nung nấu các ý tưởng sáng tạo để sản xuất các loại hàng gia dụng tiện ích cho người tiêu dùng, tôi rất ghét các cơ sở chuyên đi ăn cắp, làm nhái sản phẩm của người khác, không chỉ ở trong nước mà kể cả nước ngoài. Vì vậy đến nay, khi sáng tạo ra gần 20 sản phẩm tôi đều đi đăng ký độc quyền kiểu dáng”, ông Lợi chia sẻ.
Ông Lợi cho rằng, bài học lớn rút ra từ vụ kiện này không chỉ cho riêng Duy Lợi, phải đăng ký bảo hộ ngay cho sản phẩm mới của mình. Một khi nhiều doanh nghiệp trong nước chưa xem sở hữu trí tuệ là tài sản lớn, những vụ kiện liên quan đến bảo hộ sáng chế sẽ vẫn còn nhiều khả năng xảy ra. Đó là kinh nghiệm quí giá mà ông Lợi có được sau vụ đòi công bằng cho kiểu dáng võng xếp của mình.
Đồng hành cùng ông Lợi, các luật sư như hiểu thấu tâm trạng của ông và vững tin vào phần thắng khi nghe ông trình bày. Vì vậy, họ đã dồn hết tâm lực cho hai vụ kiện này và chỉ cách nhau 1 năm trên đất Nhật và Mỹ, Võng xếp Duy Lợi liên tiếp thắng kiện.
Luật sư Dương Tử Giang, người theo dõi vụ kiện thuộc Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh khuyến cáo, để tránh xảy ra kiện tụng, các doanh nghiệp khi có sản phẩm mới nên đăng ký bảo hộ kiểu dáng, hoặc đăng ký sáng chế mới. Trước tiên nên đăng ký ở Việt Nam, sau đó đăng ký ở các thị trường chủ yếu sẽ xuất khẩu sản phẩm.
Nếu sản phẩm của doanh nghiệp không có tính mới về kiểu dáng, công nghệ để có thể đăng ký độc quyền kiểu dáng hoặc sáng chế, trước khi sản xuất hoặc xuất khẩu tốt nhất nên nhờ luật sư tiến hành tra cứu xem đã có ai đăng ký sáng chế liên quan đến cơ cấu, sản phẩm sắp xuất khẩu hay chưa. Dựa trên tra cứu đó, doanh nghiệp tránh được vi phạm quyền của một bên thứ ba ở nước ngoài.
Sống khép kín và tích cực làm từ thiện
Ít ai biết tài sản của ông Tấn Lợi nhiều đến mức nào. Chỉ biết rằng, thương hiệu võng xếp Duy Lợi đang có mặt tại rất nhiều gia đình Việt. Nếu không tính các bằng công nhận độc quyền kiểu dáng sản phẩm thì đến nay đã có ít nhất 20 bằng sáng chế đã được cấp cho ông Lâm Tấn Lợi. Đây là một tài sản khủng với bất cứ ai làm công việc đòi hỏi sự sáng tạo.
Ông Lợi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư năm 1980. Trước khi trở thành ông chủ làng võng dù, ông đã từng làm việc ở 6 cơ quan nhà nước. Sau đó ông có ý tưởng thiết kế một chiếc võng dù bán thử ra thị trường. Ngày 6/1/2000, Doanh nghiệp tư nhân Võng xếp Duy Lợi được thành lập. Khi võng được xuất ra thị trường, điện thoại gọi đặt hàng ào ào, ông mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng xưởng sản xuất.
Từ thành công của võng xếp, Duy Lợi mở rộng sản xuất sản phẩm gia dụng: ghế, giường xếp, giá phơi đồ xếp, giá phơi khăn xếp. Ông Lợi từ đây nghiễm nhiên bước sang thế giới của đại gia quyền quý vì sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mình.
Tuy vậy, đại gia của Duy Lợi không phải là người ưa lối sống xa hoa tận hưởng mặc dù ông cũng có một bộ sưu tập xe sang bao gồm Jeep, Cadillac Escalade, Chevrolet Camaro, Chevrolet Corvette Z06, Ferrari 458 Italia.
Điều đáng quý hơn là với khối tài sản khủng của mình, ông Lợi không chỉ tiêu dùng cá nhân, gia đình hay dành của cho con. Ông còn là một “mạnh thường quân” chuyên ra tay cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Mỗi năm ông Lợi dành ra cả tỷ đồng từ khối tài sản của mình để làm từ thiện.