Ông Công, ông Táo là ai và sự tích ngày 23 tháng chạp

Nhiều gia đình Việt luôn nắm rõ các nghi lễ cúng ngày 23 tháng chạp nhưng lại mơ hồ không rõ ông Công, ông Táo là ai, vì sao chúng ta cúng ông Táo vào 23 tháng chạp.

3 vị Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ

3 vị Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ

Ông Công, ông Táo là các vị thần gần gũi với đời sống nhất trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, đặc biệt gắn liền với lễ cúng Táo quân vào ngày 23 tháng chạp hằng năm.

Ông Công, ông Táo là ai?

Tương tự với hình ảnh Táo quân của Việt Nam là bộ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ theo quan niệm của Lão giáo Trung Quốc. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, 3 vị thần được các gia chủ thờ phụng là thần Đất, thần Nhà, thần Bếp (Táo quân), mọi người quen gọi là ông Công, ông Táo.

Câu chuyện về sự tích ông Công, ông Táo bắt đầu từ câu chuyện dân gian đầy xúc động về tình nghĩa với nhiều phiên bản khác nhau. Theo một phiên bản, Trọng Cao và Thị Nhi là đôi vợ chồng sống với nhau nhiều năm nhưng họ không có con cái, dẫn đến những mâu thuẫn thường xuyên. Một ngày nọ, sau một trận cãi vã lớn, Thị Nhi bỏ nhà đi và sau khoảng thời gian lưu lạc thì lấy chồng mới là Phạm Lang.

Thời gian trôi qua, Trọng Cao nhận ra lỗi lầm và bắt đầu tìm kiếm vợ. Sau nhiều ngày tháng, anh gặp lại thị Nhi trong gian bếp nhà Phạm Lang. Để tránh tình huống khó xử, Thị Nhi giấu Trọng Cao trong đống rơm. Với một sự trùng hợp đau đớn, Phạm Lang đúng lúc đó cũng về nhà và đốt lửa nấu ăn khiến người đàn ông trong đó chết cháy. Thị Nhi đau khổ tự trách mình rồi nhảy vào đống lửa để chết theo người cũ; Phạm Lang vì thương vợ và hối hận cũng lao vào lửa.

Cảm động trước tấm lòng của cả ba, muốn họ luôn bên nhau, Ngọc Hoàng phong họ thành các vị thần và giao nhiệm vụ coi sóc việc bếp núc trong mỗi gia đình. Từ đó, họ trở thành biểu tượng cho sự hòa thuận, đoàn tụ và tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Trong bộ ba đó, Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà và người vợ Thị Nhi là Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.

Các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Hằng năm, đúng vào ngày 23 tháng chạp, Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong năm để thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.

Với mong muốn thần Bếp phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, người Việt thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng.

VN (theo VTC News)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ong-cong-ong-tao-la-ai-va-su-tich-ngay-23-thang-chap-403534.html