Văn khấn ông Công ông Táo 2025 chi tiết và nét dung hòa tín ngưỡng Phật giáo
Tín ngưỡng Táo Quân vốn thuộc tín ngưỡng dân gian và không phải xuất phát từ Phật giáo. Tuy nhiên, bài khấn cho thấy sự hòa quyện của tín ngưỡng dân gian với Phật giáo thông qua việc niệm Phật, sám hối, và cầu bình an.
Vào ngày 23 tháng Chạp (ngày 23 tháng 12 Âm lịch) hàng năm người Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế về mọi việc của gia chủ trong một năm.
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ và được người Việt ta hóa thành huyền tích "hai ông và một bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp. Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Công ông Táo.
Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân lên chầu trời nên mọi người thường gọi là "Tết ông Công ông Táo", lễ cúng luôn phải có cá chép (hoặc ngày nay nhiều gia đình cũng sử dụng cá vàng để mang tính biểu tượng của sự may mắn, tài lộc).
Theo quan niệm của người Việt, Táo Quân luôn cưỡi cá chép hóa rồng lên chầu trời. Táo Quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của gia đình gia chủ mình trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả.
Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
1. Cách sửa lễ thắp hương
Lễ cúng ông Táo được các gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng và coi trọng, lễ vật chuẩn bị sửa lễ cho cúng gồm:
Mâm cỗ mặn (số lượng món ăn thường là số lẻ như 5 món, 7 món, 9 món), bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả, hương thơm. Lý do được giải thích vì sao số lượng món ăn là số lẻ vì theo quan điểm về mặt phong thủy và tâm linh, những số lẻ như 1, 3, 5, 7 và 9 này được coi là số dương, tượng trưng cho may mắn. Còn số chẵn như 2, 4, 6 và 8 là số âm, tượng trưng cho điềm xui, không may mắn.
Ba bộ mũ áo, hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà. Cùng với đó là hia hài Táo Quân.
Ngoài ra còn có vàng nén.
Màu sắc của mũ áo Táo Quân sẽ khác theo từng năm tùy thuộc Ngũ hành của năm. Năm hành Kim thì dùng màu vàng; năm hành Mộc thì dùng màu trắng; năm hành Thủy thì dùng màu xanh; năm hành Hỏa thì dùng màu đỏ; năm hành Thổ thì dùng màu đen. Lễ vật cúng Táo Quân ở mỗi miền có khác nhau đôi chút. Người miền Bắc thường cúng cá chép (hoặc cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, với quan niệm "cá hóa long" - cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu Trời thường được cúng từ tối ngày 22 tháng Chạp đến trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vì mọi người quan niệm, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h trưa 23 tháng Chạp.
2. Văn khấn cúng Táo Quân
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ....
Ngụ tại:...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần.
Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Kính mong Thần tấu bẩm giúp cho, làm ăn chân chính, gia tộc ấm êm, xóm làng bình an, vui vẻ.
Cúi xin Tôn thần gia ân châm chước cho mọi sai phạm lỗi lầm trong năm qua của chúng con.
Xin Tôn thần ban phước lành, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì. Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
Lưu ý:
Sau khi bày lễ và thắp hương tuần đầu tiên, tiến hành khấn. Đợi tuần hương đầu tàn thì thắp thêm hai tuần hương nữa mới được tạ lễ và hóa vàng. Sau khi hóa vàng xong mang cá vàng ra sông, hồ, ao... thả để Táo Quân lên châu Ngọc Hoàng.
“Đông trù Tư mệnh” còn gọi là Thổ Táo coi việc củi lửa bếp núc; “Định phúc Táo quân” còn gọi là Phật Táo theo dõi công tội của con người, đảm nhận việc lên trời.
Phần II. Sự dung hòa tín ngưỡng Việt Nam và tinh thần Phật giáo
1. Câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”
Đây là một câu niệm Phật phổ biến trong Phật giáo, đặc biệt thuộc Tịnh độ tông. Việc niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà biểu hiện tâm hướng về cõi an lành, cầu nguyện sự gia trì và thể hiện niềm tin vào Ngài.
Dù bài khấn mang tính chất thờ cúng Táo Quân (một tín ngưỡng dân gian), việc mở đầu và kết thúc bằng câu niệm này cho thấy sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian và tinh thần Phật giáo.
2. Lời khấn mang tinh thần sám hối
“Cúi xin Tôn thần gia ân châm chước cho mọi sai phạm lỗi lầm trong năm qua của chúng con.” Đây là một biểu hiện của tinh thần sám hối, vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong Phật giáo.
Việc thừa nhận lỗi lầm và mong muốn được tha thứ là cách để con người tự cải thiện bản thân
3. Mong cầu bình an, an lạc
“Xin Tôn thần ban phước lành, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.” Dù mục đích chính là cầu sự che chở từ Táo Quân, nội dung này vẫn thể hiện tinh thần mong cầu bình an và hạnh phúc, tương đồng với mục tiêu tu học trong Phật giáo – đem lại sự an lạc và giải thoát cho chính mình và mọi người.
4. Tâm thành kính lễ và tính nhân văn
“Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin.” Việc nhấn mạnh “tâm thành” phù hợp với quan niệm Phật giáo, trong đó hành động hay nghi thức bên ngoài không quan trọng bằng tâm ý chân thành bên trong. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong việc tu tập phật pháp.
Kết luận
Tín ngưỡng Táo Quân vốn thuộc tín ngưỡng dân gian và không phải xuất phát từ Phật giáo. Tuy nhiên, bài khấn cho thấy sự hòa quyện của tín ngưỡng dân gian với Phật giáo thông qua việc niệm Phật, sám hối, và cầu bình an. Đây là đặc điểm chung trong văn hóa Việt Nam, nơi Phật giáo thường đan xen với tín ngưỡng bản địa để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.
Bài khấn này mang một số yếu tố liên quan đến tinh thần Phật giáo như niệm Phật, sám hối, cầu an, và nhấn mạnh tâm thành. Dù là nghi thức dành cho Táo Quân, bài khấn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong đời sống tâm linh người Việt.
Phạm Tuấn Minh
Tài liệu tham khảo: Văn khấn cổ truyền Việt Nam, Cao Hồng Minh (Tổng hợp), Đại đức Thích Đức Tiến (Hiệu đính), NXB Hồng Đức, 2023.