Ông Đặng Hà Việt: Chưa huy động được hết nguồn lực để phát triển thể thao
Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt đánh giá thể thao Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng chưa huy động được hết nguồn lực để phát triển bền vững.
Kinh tế thể thao ở nhiều nước phát triển là cỗ máy đồ sộ, liên kết với nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập, đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia và tạo ra các giá trị xã hội tích cực. Đây cũng là xu hướng mà những nhà quản lý thể thao Việt Nam đang nghiên cứu, học hỏi.
Phát triển công nghiệp thể thao, kinh tế thể thao ở Việt Nam là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 do Tổng cục Thể dục thể thao, Ban Kinh tế Trung Ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent tổ chức. Ba phiên thảo luận được thực hiện bởi các nhà quản lý, diễn giả có uy tín trong và ngoài nước. Những lát cắt về các vấn đề trong kinh tế thể thao được gợi mở, bàn luận dựa trên cơ chế chính sách về thể thao, thực trạng thể thao Việt Nam và kinh nghiệm, bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới.
Cần cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao
“Thể thao Việt Nam phát triển mạnh thời gian qua nhưng chưa huy động được hết nguồn lực để thể thao phát triển bền vững, đặc biệt hướng tới những đấu trường lớn như ASIAD và Olympic", ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao nêu quan điểm.
Khó khăn về cơ sở vật chất là vấn đề phổ biến trong sự phát triển thể thao Việt Nam. Đây không chỉ là rào cản về mặt chuyên môn mà còn có ảnh hưởng trên khía cạnh kinh tế. Một trong những ví dụ tiêu biểu nằm ở môn bóng đá, khi hầu hết các đội bóng chuyên nghiệp của Việt Nam không có sân vận động thuộc sở hữu riêng, do đó không thể khai thác được hết các nguồn thu.
"Nút thắt lớn nhất chính là các cơ chế chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Đối với các nước phát triển khi quy hoạch về khu dân cư bao giờ cũng có đất thể thao, để sử dụng cho các hoạt động kinh doanh về thể thao, có chỗ để người dân rèn luyện thể thao.
Các CLB chuyên nghiệp nếu không có sân, không có cơ sở vật chất, sẽ không bao giờ phát triển được vấn đề kinh doanh thể thao, bởi vì nguồn thu từ sân rất lớn. Các vấn đề về phát triển cơ sở vật chất cho thể thao hiện đang rất vướng, đây là nút thắt lớn nhất", ông Đặng Hà Việt phân tích.
Đối với kinh tế thể thao đặc biệt là nguồn thu từ việc bán sản phẩm chính là các giải đấu. Bản quyền truyền hình, quảng cáo, tài trợ... chính là những con số tạo nên giá trị của giải đấu. Tại Việt Nam, chỉ một số giải thuộc diện "bán được". Nguyên nhân chính nằm ở sức hấp dẫn của các giải chưa cao.
"Vấn đề giải trí, thu hút người xem hiện tại chưa được đầu tư và thiếu sự quan tâm của chính những nhà tổ chức, vì vậy nguồn thu từ các giải đấu là gần như không có. Chúng ta có thể thấy vấn đề về giải đấu và bản quyền truyền hình có giá trị rất lớn. Chính vì vậy các giải đấu tại Việt Nam phải bàn xem chúng ta cần bán những gì từ giải đấu", Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nêu quan điểm.
Thu hút khán giả là yếu tố quyết định
Tham gia diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam, ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều hành giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) nêu quan điểm trên góc nhìn của nhà tổ chức. VBA là một trong những giải thể thao chuyên nghiệp được quan tâm nhiều nhất ở Việt Nam hiện tại.
"Nếu nói về kinh tế thể thao không thể không nhắc tới đối tượng khán giả bởi đây là những người tiêu thụ chính về nội dung và các hoạt động thể thao", ông Trần Chu Sa nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, các nhà tổ chức luôn phải quan tâm đến vấn đề mở rộng tệp khách hàng và giữ chân họ - chính là xây dựng và duy trì sức hút của giải đấu đối với người hâm mộ. Đối với VBA, ông Trần Chu Sa và các cộng sự vạch ra lộ trình gồm 5 bước với mục đích cuối cùng là khiến người hâm mộ yêu thích và gắn bó với bóng rổ nói chung và giải đấu nói riêng.
"Mỗi bước đều có khó khăn khác nhau. Cách đây 4-5 năm, tỉ lệ chuyển đổi đạt được là khoảng 25% so với thị trường. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đã nâng lên từ 0,5-2%. Mục tiêu trong vài năm tới là nâng số lượng chuyển đổi này lên 6-7%, cho nên tiềm năng vẫn đang còn rất lớn. Tuy nhiên có rất nhiều chướng ngại mà chúng tôi cần vượt qua", ông Trần Chu Sa nói.
Thách thức trong việc tạo dựng cộng đồng khán giả nói chung là bước đầu tiên mà nhà tổ chức thể thao cần vượt qua. Thể thao hướng đến khán giả ở độ tuổi trẻ, những khách hàng này sẽ luôn thay đổi hành vi của mình và thay đổi những nền tảng sử dụng để tiêu thụ nội dung thể thao cũng như về giải trí nói chung. Do đó, các nhà tổ chức cũng phải liên tục nắm bắt xu hướng và có sự điều chỉnh phù hợp.
Rào cản thứ ba chính là về kiến thức nền tảng. Mặc dù bóng rổ chuyên nghiệp đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm nhưng mức độ phổ biến cũng như sự phức tạp trong quy định về chơi cũng như xem môn thể thao này còn hạn chế. Do đó, các đơn vị tổ chức phải liên tục xây dựng nội dung mới mẻ hơn, tăng tính giải trí ở trong các nội dung này để dễ dàng tiếp cận với các đối tượng hơn.
"Nói chung, các giải đấu không chỉ cạnh tranh với nhau về chuyên môn, lượng khán giả cũng như sự yêu thích, cạnh tranh với các giải quốc tế mà chúng tôi còn phải cạnh tranh với những nội dung giải trí khác rất hay, dễ tiếp cận với giới trẻ như âm nhạc, phim, ẩm thực, mua sắm cũng như những trò chơi thể thao điện tử", ông Trần Chu Sa kết luận.