Ông đồ xứ Nghệ cho chữ đầu Xuân Ất Tỵ
Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới, các ông đồ xứ Nghệ lại chuẩn bị giấy bút, mực nghiên ở một góc phố, tuyến đường hay những điểm đến khu du lịch tâm linh, chùa chiền để viết tặng chữ.
Nhà thơ Vũ Đình Liên đã có những bài thơ "Ông Đồ" để lại dấu ấn đậm nét, xuyên suốt khi đọc 4 câu đầu đã toát lên sắc xuân ngày đầu năm mới, về nét đẹp truyền thống của ông cha - tục xin chữ hay cho chữ đầu xuân: "Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu giấy đỏ/Trên phố đông người qua...".
Ngày Tết, việc xin chữ là điều thiêng liêng, một việc quan trọng trong nhiều gia đình Việt chúng ta. Ngày xưa, ông đồ rất được trọng vọng, những nhà có "của ăn của để" thường mời thầy về tận nhà để dạy chữ cho con cháu; nhà khác thì gửi con đến nhà thầy theo học. Do vậy, ngày lễ Tết phải sang nhà thầy chúc tết, nên trong dân gian có câu truyền miệng: "Mùng một Tết cha; mùng hai Tết mẹ; mùng ba Tết thầy".
Tại chùa Hà (Phúc Linh Tự) ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong không gian ấm cúng, trang trí nhẹ nhàng, mùi hương trầm thoang thoảng, với nền nhạc thiền du dương. Rất nhiều phật tử, người dân đầu năm tìm đến lễ Phật, dạo chơi và xin chữ của các bậc tu sĩ trong chùa.
Trong không gian tĩnh lặng ấy, cùng uống một chén trà ấm đầu Xuân. Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Hà ngẫm nghĩ một lúc rồi ngồi xuống cầm bút, viết nhanh 4 chữ: "Tâm tưởng sự thành" tặng phật tử đang du Xuân đầu năm mới.
Nói về nét đẹp văn hóa cho chữ đầu Xuân của dân tộc Việt Nam, thầy Thích Thông Như (tăng chúng cho chữ tại chùa Hà) chia sẻ, việc cho chữ đầu Xuân là nét đẹp lâu đời của cha ông ta để lại. Từ đầu năm mới, mỗi người chúng ta đều có những nguyện ước suốt năm và tương lai gặp nhiều niềm vui; những tâm nguyện mong được thành tựu.
"Nét đẹp cho chữ được giao thoa, dung hợp bởi lòng nguyện ước của người xin và sự gia tâm của người viết chữ. Khi cho chữ sẽ tạo ra sức mạnh nội tâm hay tâm linh, hướng đến một năm mới nhiều niềm vui, lợi lạc trong cuộc sống" - thầy Thích Thông Như gửi gắm đầu năm Ất Tỵ.
Cũng theo thầy Thích Thông Như, việc cho chữ cha ông ta từng đúc rút: "Nét chữ là nét người" - Từng nét chữ được chư tăng ni hay một thư pháp gia, hay ông đồ,... rèn luyện, rèn dũa từ tâm khảm bên trong con người mình thể hiện ra. Các con chữ được viết nhiều vào đầu năm như là: "Bình An; Cát Tường; An Khang Thịnh Vượng; Xuân An Vui; Phúc Như Đông Hải; Thọ Tỷ Nam Sơn; Vui Mà Sống,...".
Tặng chữ, cho chữ và xin chữ. Tất cả thể hiện nét đẹp của người Việt Nam và giá trị truyền thống. Đặc biệt hơn, việc cho chữ đầu năm còn hướng tới sự an lạc trong đời sống thực tại của mỗi người dân hay từng phật tử.
Rời chùa Hà, chúng tôi tìm đến một ông đồ trẻ Nguyễn Đình Lộc sinh năm 1989, quê ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, có thâm niên 8 năm liền cho chữ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, bên hiên nhà tranh ở quê nội của Bác Hồ.
Từ mùng 2 Tết, ông đồ trẻ Nguyễn Đình Lộc đã chuẩn bị giấy bút, mực nghiên, sẵn sàng cho chữ cho du khách khi tìm về quê hương nơi sinh ra và lớn lên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
"Ngày Tết ai cũng háo hức đi chơi, trong đó việc xin chữ đầu Xuân thì hầu như ai cũng cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc. Và, rất nhiều người từng xin chữ trước đó thì hàng năm đều trở lại quê Bác để xin chữ" - ông đồ trẻ chia sẻ.
Giữa dòng người đông đúc qua lại du Xuân, nhiều bạn trẻ là học sinh rất thích thú khi thấy "ông đồ trẻ" mặc áo dài, quấn khăn, mài mực, viết chữ tặng mọi người đầu năm mới.
Một số hình ảnh do phóng viên Công dân và Khuyến học ghi lại.