Ông Donald Trump gây sức ép với NATO, EU

Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng và Liên minh châu Âu tăng cường mua dầu, khí đốt của Mỹ

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang muốn các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, so với mục tiêu hiện tại là 2% GDP.

Theo tờ Telegraph (Anh), cuối tuần rồi, đội ngũ của ông Trump nói với giới chức châu Âu rằng ông kỳ vọng các đồng minh NATO làm điều nói trên sau lễ nhậm chức của mình vào ngày 20-1-2025.

Một nguồn tin quân sự cấp cao nói thêm ông Trump sẽ "đề xuất mức 5% nhưng chấp nhận mức 3,5%" trong các cuộc đàm phán về chi tiêu quốc phòng sau khi trở lại Nhà Trắng.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng đề xuất các thành viên NATO nên tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP. Trả lời phỏng vấn đài NBC vào đầu tháng 12-2024, ông gợi ý rằng Mỹ có thể xem xét rời khỏi NATO nếu các thành viên không tăng mức chi tiêu này.

Một báo cáo hồi tháng 6 cho biết chỉ mới có 23/32 quốc gia thành viên NATO đáp ứng mục tiêu 2% GDP nói trên. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte phần nào đồng tình với ông Trump về vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng khi phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Budapest - Hungary vào tháng rồi. Trước đó, có thông tin nói NATO sẽ đặt mục tiêu mới là 3% GDP vào năm 2030.

Tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đến TP Swinoujscie - Ba Lan Ảnh: Reuters

Tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đến TP Swinoujscie - Ba Lan Ảnh: Reuters

Ngoài NATO, ông Trump cuối tuần rồi còn gây sức ép lên Liên minh châu Âu (EU) khi đe dọa tăng thuế, trừ khi khối này tăng cường mua dầu và khí đốt của Mỹ để thu hẹp khoảng cách thương mại với Washington.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nước này ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa với EU lên đến 208,7 tỉ USD trong năm 2023. Dù Mỹ có thặng dư thương mại với EU trong lĩnh vực dịch vụ, ông Trump chủ yếu tập trung vào thương mại hàng hóa khi thường xuyên phàn nàn về việc EU xuất khẩu ô tô sang Mỹ trong khi ít ô tô được xuất khẩu theo chiều ngược lại.

EU đã tăng đáng kể việc mua dầu và khí đốt của Mỹ kể từ lúc quyết định giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát năm 2022. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Eurostat của EU, Mỹ cung cấp 47% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 17% lượng dầu nhập khẩu của EU trong quý I/2024.

EU cũng tỏ ý cho biết họ dự kiến mua nhiều năng lượng hơn từ Mỹ trong những năm tới. Vào tháng rồi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tiết lộ EU sẽ tìm cách đàm phán về vấn đề tăng cường nhập khẩu LNG của Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức.

Trước mắt, EU đang tìm cách tránh xung đột thương mại với Mỹ dưới thời chính quyền sắp tới của ông Trump. Ông Olof Gill, phát ngôn viên EC, nhấn mạnh quan hệ EU - Mỹ hiện đã rất mạnh mẽ. EU sẵn sàng thảo luận với ông Trump về biện pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ này, trong đó có những lợi ích chung của hai bên trong lĩnh vực năng lượng.

Dù vậy, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2024, theo đài CNBC, các quan chức EU đã dành nhiều tháng chuẩn bị cho sự chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và mối quan hệ đối đầu hơn với Nhà Trắng trong trường hợp ông Trump thắng cử.

EU cũng có những bước đi nhằm củng cố mối quan hệ với Anh (quốc gia đã rời khỏi EU năm 2020) và xem đây là biện pháp phòng vệ trước những mâu thuẫn tiềm tàng về thương mại và quốc phòng. Giờ đây, ông Enrico Letta, cựu Thủ tướng Ý, kêu gọi EU thậm chí cần phải chuẩn bị động thái trả đũa đối với lời đe dọa của ông Trump.

Ông Donald Trump hôm 21-12 đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng Kênh đào Panama. Ông cũng cảnh báo nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh của Mỹ này giao lại nó.

Mỹ chủ yếu xây dựng Kênh đào Panama và quản lý lãnh thổ xung quanh tuyến vận tải đường thủy này trong nhiều thập kỷ. Đến năm 1999, chính phủ Mỹ đã chuyển giao hoàn toàn quyền kiểm soát kênh đào này cho Panama. Cấu trúc phí của kênh đào dao động từ 0,5 USD đến 300.000 USD, tùy thuộc vào kích cỡ của tàu. Dù có các khoản phí này, Kênh đào Panama vẫn là tuyến vận tải đường thủy quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Mỹ hiện là nước sử dụng kênh đào này nhiều nhất, sau đó là Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo Reuters, cảnh báo của ông Trump về Kênh đào Panama là ví dụ cực kỳ hiếm hoi cho việc một nhà lãnh đạo Mỹ nói ông có thể thúc đẩy một quốc gia có chủ quyền giao lại lãnh thổ. Điều này cũng nêu bật sự thay đổi dự kiến trong chính sách ngoại giao của Mỹ thời ông Trump - người từng không ngần ngại đe dọa đồng minh và sử dụng lời lẽ mạnh mẽ khi làm việc với các đối tác.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ong-donald-trump-gay-suc-ep-voi-nato-eu-196241222203557214.htm