Ðong đưa chữ nợ chiều xuân

Chắc cũng có nhiều người đồng ý với tui, ngày tết vui nhất là chiều ba mươi, mọi việc trong nhà, ngoài đường cứ như sôi lên, hối hả, người người tất bật. Trên con phố tấp nập kia, bao nhiêu người chạy ngược chạy xuôi, lo toan đủ điều, mua sắm đủ thứ. Chắc trong đám đông đó có những người hối hả đi trả nợ, và cũng có những người ráo riết đi tìm con nợ đang lẩn tránh.

Minh họa: HUYỀN TRANG (Báo Gia Lai)

Minh họa: HUYỀN TRANG (Báo Gia Lai)

Phong tục ngày tết của mình thấy vậy mà hay ghê, rất ư là nhân văn; ai nợ thì ráng kiếm tiền trả cho dứt điểm, không để sang năm mới còn nợ nần. Ai nợ mình, cũng nên nhắc để họ kịp trả trước giao thừa. Những ngày đầu năm mới là thời gian để khởi sắc, bắt đầu và mong muốn những gì tốt đẹp nhất đến trong năm. Trong những ngày đầu năm không nên đòi nợ, dù sao cũng phải kiêng cữ, giữ điều tốt lành cho người đang mắc nợ. Bởi vậy, ngày cuối cùng của năm, theo một ý nghĩa nào đó, phải chăng là khoảng thời gian giao trả nợ cho nhau?

Hồi đó, vào những ngày cuối tháng, chưa đến kỳ nhận lương, chưa kịp bán các thứ được nuôi trồng, mỗi khi cần mua hàng tiêu dùng, má hay biểu tui ra quán tạp hóa Cô Hương gần nhà, mua nợ, chừng mười ngày nửa tháng sẽ gửi trả. Đặc biệt, vào những ngày gần gần cuối năm, khi đâu đó đã có nhà lặt lá mai, chuẩn bị đón năm mới, má hay biểu tui ra quán Cô Hương xem nhà mình có mua nợ gì không để biết mà trả, không nên để nợ nần sang năm.

Cô Hương tuổi chưa già nhưng cũng không còn trẻ, được cái là dễ tính, bán nợ nhưng vẫn cười tươi rói, lúc nào cũng nói đừng ngại, cứ mua đi, không có tiền, không sao đâu, cô ghi sổ. Ngoài việc mua đồ dùng cho gia đình như bột giặt, mắm, dầu lửa…, tui cũng hay mua nợ cho mình, lúc thì mấy cái bìa bao vở, có khi là bánh kẹo, trái cây.

Tui còn nhớ, có một chiều ba mươi, thoáng thấy cô Hương đến nhà là tui nhanh như cắt chạy về phía sau lùm cây ở cuối vườn để trốn. Gai nhọn chích đầy người nhưng tui không thấy đau gì cả; mấy con kiến lửa bu lại cắn dã man nhưng tui đành đứng yên chịu trận, không dám cục cựa. Lúc đó sợ nhất là cô Hương thấy mặt, cổ đòi tiền nợ, tui không biết xoay xở như thế nào để trả.

Đáng đời mày nghen, mua cho cố vô, giờ đến nông nỗi này. Khi thấy bóng cô Hương rời khỏi nhà, tui mới thở phào nhẹ nhõm. Té ra là cô qua nhà, nhờ má tui xem hộ vết thương ở tay. Không ai hiểu tính con bằng mẹ, má nói: Nè nợ nhiêu thì nói để trả, chớ trốn miết sao… Đúng rồi, trốn miết sao! Cảm giác nợ nhưng không có tiền trả hằn in trong ký ức nên từ đó về sau, tui không bao giờ để nợ tiền bạc ai cả. Nếu có chỉ là nợ tình, nợ yêu thôi (cái thói đa tình nó vậy đó, bỏ miết mà không được)!

Cứ cuối năm, nhà tui có một vài người đến trả tiền nợ, vì má tui có chữa bệnh, bán thuốc tại nhà; có người sau khi hết bệnh là trả tiền liền, người thì xin nợ trả sau. Có hôm, người ta tới trả nợ, má tui đưa lại, nói: “Thấy còn khó khăn quá mà trả gì. Cứ để đó, thủng thẳng trả cũng được. Cầm đi rồi về nhà ăn tết cho vui”. Nhưng mà người trả cứ nằng nặc trả, vì họ cũng biết là thà cái tết năm nay thiếu đi một vài món ăn, món chưng tết nhưng lòng họ sẽ thanh thản, đón tết vui vẻ hơn. Sang năm mới, họ không còn nợ ai. Ai cũng mong muốn một cái tết trong trẻo đến với nhà nhà. Chữ tín, chữ danh ngày trước sao mà đẹp quá!

Ngày trước, đa phần là khi gặp khó khăn đột xuất hoặc túng quẫn nhất thời, người ta mới mượn tiền mượn bạc; cũng có khi mượn vài ký gạo, sau đó có thì họ sẽ trả. Đặc biệt, họ cố gắng trả xong nợ nần vào những ngày cuối năm, trước ngày ba mươi tết. Còn người cho mượn, họ sẵn sàng cho mượn khi ai đó gặp khó khăn đột xuất, xem như giúp đỡ lẫn nhau. Giữa bà con trong xóm làng, anh em họ hàng với nhau giúp nhau qua cơn khó khăn bĩ cực. Ít khi thấy ai cho vay rồi tính lãi.

Bây giờ việc vay nợ đã khác trước rồi. Nhiều người không phải do thiếu thốn mà vì muốn có thêm, muốn khá hơn, giàu hơn nên tranh thủ cơ hội vay tiền để đầu tư, làm ăn. Người vay chịu phần lãi; việc cho vay như một ngành nghề kinh doanh. Khi việc làm ăn không theo ý muốn, khó có thể trả nợ đúng hẹn, họ... xù, trốn nợ. Người cho vay thấy không trả tiền đúng hẹn là ráo riết đòi. Cho dù trước đây hai bên có thân tình thì mối quan hệ ấy cũng bị đứt gãy. Hai bên đều thấy mệt mỏi, căng thẳng. Khác với trước đây: Có thì trả, khó quá thì lúc nào trả cũng được, rất nhẹ nhàng.

Nói về nợ, đúng là từ lúc sinh ra, ngay cái tiếng khóc oa oa đầu tiên, ta đã mượn - nợ đất trời này một hơi thở. Biển xanh mênh mông có phải nợ suối khe từng giọt rí rách? Những làn mây trên trời cao có còn nợ đám cỏ một hơi sương? Cuộc đời như thế, cứ giăng mắc với nhau.

Anh nợ tôi hoặc tôi nợ anh, và anh lại nợ người khác; cái vòng xoay nó cứ xoay. Mọi vật sinh ra trên cõi đời này cứ dính mắc lẫn nhau, nợ nhau như một quy luật để tồn tại. Nắng có nợ hoa ngày nào đâu, mà sao cứ trông đám mây bay đi để nắng soi mình trên tán lá, nụ hoa. Hoa có nợ người đâu, mà cố thu mình trong mùa đông giá lạnh đề xuân về khoe sắc khoe hương cho đời cho người tươi vui. Bậc thềm nhà cũ kia có nợ bao giờ đâu mà sao cứ ngóng trông hoài bước chân những đứa trẻ - giờ đã sang tuổi ngũ tuần - lâu rồi không thấy về.

Mấy hôm nay, trời trở gió và lạnh hơn cả đêm Noel; mây xám cả vùng trời. Chỉ còn vài ngày là đến tết; ai hối hả, ai thong dong, có lẽ chỉ nàng xuân biết. Ai nợ ai, ai vay ai, chỉ có người trong cuộc mới hay. Và tui biết, nắng còn nợ đám lay ơn bên bờ sông những ngày tràn nắng. Còn tui, tui còn nợ bậc thềm nhà cũ một bước chân.

LÂM PHÚ LINH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292633/%C3%B0ong-dua-chu-no-chieu-xuan.html