Ông Dương Anh Đức: Thế hệ trẻ sẽ dẫn dắt nhân loại vào thế giới số hóa
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kỳ vọng thế hệ trẻ tích cực học hỏi, nghiên cứu và tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Ngày 7-10, lễ khai mạc Diễn đàn Khoa học sinh viên quốc tếlần thứ 7 năm 2023 đã diễn ra tại TP.HCM.
Với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, diễn đàn là cơ hội để sinh viên TP.HCM nói riêng, sinh viên cả nước nói chung và sinh viên tại các trường đại học trên thế giới trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề học thuật, sáng tạo, nghiên cứu khoa học
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM luôn coi trọng và dành nhiều sự đầu tư cho các giải pháp chuyển đổi số các lĩnh vực. Phát triển kinh tế số, tạo môi trường kinh doanh và hạ tầng số hóa thúc đẩy sự phát triển, đổi mới sáng tạo.
“Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng” - ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng thế hệ thanh niên, sinh viên, với điều kiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng, sẽ là những người dẫn dắt cộng đồng vào thế giới số hóa.
“Tôi mong muốn và khuyến khích các bạn trẻ, trong đó có các bạn sinh viên đang hiện diện nơi đây hãy học hỏi, nghiên cứu và tham gia tích cực vào quá trình này. Hãy trở thành chủ thể tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của mỗi quốc gia, làm cho quốc gia của các bạn ngày càng phát triển thịnh vượng trong thời đại số hóa” - ông Đức nhấn mạnh.
Bạn Dianne C.Sheny và Jaca Astudillo, đại biểu Philippines tham dự chương trình, chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM rằng các bạn cảm thấy hào hứng. Đây là lần đầu bạn tham gia diễn đàn và có cơ hội thảo luận với các sinh viên quốc tế không chỉ về chuyển đổi số mà còn về kinh tế - chuyên ngành mà các bạn đang theo học ở trường ĐH.
Nhóm sinh viên Philipin cho biết, nhóm viết luận về tác động tích cực và tiêu cực của chuyển đổi số. Thế giới ngày càng phát triển và hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng số, kinh tế số, tuy nhiên xu hướng này vẫn có một số hệ lụy nguy hiểm.
“Một vài ví dụ về mặt tiêu cực khi chúng ta hướng tới chuyển đổi số, thứ nhất là tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ chất thải điện tử, có thể hiểu là những thiết bị điện tử bị loại bỏ, thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm.
Thứ hai là nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng cao. Do đó, chúng tôi muốn thảo luận về những nguy cơ này nhằm giảm thiểu những nguy cơ đó và tối ưu hóa những lợi ích mà thế giới số mang lại” - Dianne C.Sheny chia sẻ.