Ông Dương Trung Quốc: Còn nhiều việc xấu hổ với cử tri sau 20 năm làm ĐBQH
Sau khi tham gia hoạt động 4 khóa Quốc hội (từ khóa thứ XI đến khóa XIV), ông Dương Trung Quốc không tham gia ứng cử ĐBQH ở khóa XV.
ĐBQH Dương Trung Quốc trong một lần phát biểu tại nghị trường
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Quốc cho biết, dù đã rất nỗ lực song ông vẫn còn cảm thấy tiếc nuối khi có những việc mà cử tri gửi gắm, ông chưa thực hiện được.
Chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận
Sau 20 năm làm ĐBQH, còn có điều gì khiến ông trăn trở vì chưa thực hiện được, nhất là những việc mà cử tri đã gửi gắm?
Tiếc nuối thì có rất nhiều. Cho dù bản thân nỗ lực đi chăng nữa thì có nhiều điều tôi cảm thấy vẫn chưa làm được như mong muốn. Thậm chí có những việc tôi cảm thấy có phần xấu hổ với cử tri của mình vì chưa thể làm hết việc mà cử tri ủy thác, còn nhiều việc chưa làm được như kỳ vọng của họ.
“
Dù không tham gia Quốc hội nữa, nhưng tôi sẽ dành thời gian để quan sát những hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là những vị ĐBQH tiếp bước chúng tôi. Thứ hai, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình và cũng dành nhiều thời gian hơn cho nghề nghiệp chuyên môn của mình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
”
“Nhất Ngoạn (Đỗ Trọng Ngoạn), nhì Trân (Nguyễn Ngọc Trân), tam Lân (Nguyễn Lân Dũng), tứ Quốc (Dương Trung Quốc)”, đó là cách mà nhiều cử tri yêu mến gọi những ĐBQH khi nhắc tới những phát biểu thẳng thắn, quyết liệt của ông và 3 vị trên ở Nghị trường Quốc hội. Ông cảm thấy thế nào khi được nhắc tên theo cách như vậy?
Bản thân mình có điều gì đó khiến người dân chú ý thì cũng là điều đáng mừng. Nhưng có lẽ không chỉ có tôi đâu, mà rất nhiều đại biểu khác cũng được cử tri yêu mến, tin tưởng để gửi gắm những nguyện vọng, tâm tư chính đáng của nhân dân.
Tham gia Quốc hội tới 4 nhiệm kỳ, ông cảm nhận thế nào về không khí dân chủ ở nghị trường? Có những đổi mới nào được coi là đột phá?
Là người có cơ hội tham gia Quốc hội trong thời gian khá dài nên tôi đã thấy và cảm nhận được chuyển động, thay đổi theo hướng tích cực.
Thực ra, trước khi làm ĐBQH thì tôi cũng đã vinh dự đứng ở “cánh gà” các kỳ họp Quốc hội với tư cách người làm báo. Cho nên tôi càng có điều kiện quan sát hoạt động của Quốc hội.
Điều không thể phủ nhận, đó là xu thế và không khí hoạt động Quốc hội ngày càng tích cực mà chúng ta thường nhắc đến đó là “chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận”. Những thay đổi tốt hơn này cũng là để đáp ứng mong muốn của cử tri, của đòi hòi thực tiễn đời sống xã hội.
Không khí dân chủ ở nghị trường đang ngày càng được thể hiện rõ, như Quốc hội bình đẳng về dân tộc, tôn giáo, giới tính; Quốc hội không chỉ có 2 kỳ họp, mà có các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng mở rộng cho đại biểu nào quan tâm; rồi việc truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp Quốc hội...
Duy có một điều tôi vẫn cảm thấy băn khoăn, đó là việc ứng dụng công nghệ. Nhiệm kỳ đầu tôi tham gia, ĐBQH biểu quyết bằng cách giơ tay hoặc biển báo in mã số của đại biểu, nên đại biểu đồng ý hay không đồng ý rất rõ ràng.
Giờ chuyển sang ấn nút là ẩn danh, chả biết ai đồng ý, ai không. Dân chủ cần thể hiện trong quá trình thuyết phục lẫn nhau, quá trình trao đổi, hình thành những quan điểm, chứ phát huy dân chủ không phải chỉ là bấm nút...
Đối với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn thì sao, thưa ông?
Chất vấn nghị trường đã có sự thay đổi rõ rệt. Tôi nhớ có lần trước kỳ họp Quốc hội, có vài vị Bộ trưởng tìm tôi nhờ tham vấn cách trả lời trước nghị trường, tôi chỉ có một lời khuyên, đó là đừng xem mình đang “bị chất vấn” mà là đang “được chất vấn”, là cơ hội để đối thoại rõ ràng, thẳng thắn.
Tôi cũng quan niệm, nghị trường không phải là nơi “dồn ai đó vào tường” hay để giới thiệu các màn “trình diễn cá nhân”, mà là nơi để các vấn đề bức xúc của người dân được phơi bày và giải quyết.
Cần tăng tính chuyên nghiệp của ĐBQH
Ông là một trong số ít đại biểu là người ngoài Đảng ứng cử ĐBQH, vậy ông có gặp khó khăn gì trong quá trình hoạt động không?
Tôi không thấy có sự khó khăn hay khác biệt gì giữa ĐBQH là người ngoài Đảng với ĐBQH là đảng viên.
Về lý thuyết, tôi không phải đảng viên nên không bị ràng buộc quá nhiều vào những quy định của tổ chức. Các ĐBQH là đảng viên, đương nhiên họ phải tuân thủ cả kỷ luật của tổ chức họ theo và cũng phải giải quyết vai trò là người đại diện cho dân, tức phải đảm bảo đồng thuận “ý Đảng lòng Dân”.
Nhưng thực tế, hoạt động của Quốc hội thì độc lập, có đầy đủ thẩm quyền thẩm định, giám sát, kiến nghị và quyết định. Do đó, thực tế các ĐBQH là đảng viên vẫn có những chất vấn thẳng thắn, gai góc trước nghị trường Quốc hội, đi sâu vào các vấn đề xã hội, dân sinh, pháp lý, được đông đảo người dân ủng hộ.
Ở đây tôi muốn bàn về vấn đề ý thức, trách nhiệm, dũng khí và kỹ năng của ĐBQH hơn là người đó ở tổ chức nào.
Vừa rồi, MTTQ Việt Nam kiến nghị tăng tỷ lệ ĐBQH người ngoài Đảng, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Chủ trương tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng đã có từ lâu rồi. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thì tỷ lệ người ngoài Đảng chiếm hơn 10%, tuy nhiên tỷ lệ này giảm dần ở các khóa gần đây.
Chính vì vậy, chủ trương tăng tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng từ 30 đến 50 người (chiếm 10%) ở khóa tới là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Bởi suy cho cùng muốn phát triển đất nước, bảo vệ nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì cần phải huy động sức mạnh của toàn dân, của mọi tầng lớp.
Nếu được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm đối với những người ngoài Đảng ứng cử ĐBQH khóa tới, ông sẽ nói gì?
Những người ngoài Đảng ứng cử ĐBQH khóa tới cứ bình thản làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, phát huy những thứ được coi là lợi thế của mình.
Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc và chỉ thời gian rất ngắn nữa, Quốc hội khóa mới sẽ được bầu. Điều ông mong mỏi, kỳ vọng là gì?
Tôi mong cần tăng tính chuyên nghiệp của các ĐBQH. Có thể không cần đông quá nhưng phải chuyên nghiệp.
Một vấn đề tôi vẫn băn khoăn, dường như có quy định bất thành văn rằng, đại biểu chuyên trách hoạt động không quá 2 nhiệm kỳ hay không quá tuổi 60, tuổi công chức.
Trong khi đó, ĐBQH đòi hỏi một quá trình tích lũy về tri thức, kỹ năng và uy tín. Tôi thấy rất tiếc bởi rất nhiều người tôi cảm phục, đặc biệt những vị chuyên trách, họ đã thuần thục rồi, đã thể hiện được mình rồi, được người dân tín nhiệm rồi nhưng khóa sau không làm nữa vì hết tuổi. Không nên quá ràng buộc về tuổi tác mà cần ràng buộc vào chất lượng đại biểu, uy tín của đại biểu.
Cảm ơn ông!
Ông Dương Trung Quốc (SN 1947) là nhà nghiên cứu lịch sử. Ông hiện là ĐBQH khóa XIV thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai (một trong 21 người ngoài Đảng trúng cử). Ông từng là ĐBQH các khóa XIII, XII, XI (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai). Hiện nay, ông đang là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay và Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội. Trong suốt 20 năm làm ĐBQH, ông Quốc được nhiều người dân trong cả nước biết đến với những phát biểu rất thẳng thắn trên nghị trường.