Ông Gerard Williams ra hầu tòa
Ông Gerard Williams có phần tranh luận kéo dài, cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong vụ kiện lớn của ngành bán dẫn giữa Qualcomm và Arm.
Chồng ca sĩ Bích Tuyền, người sáng lập start-up Nuvia, hiện giữ chức Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Qualcomm, là nhân chứng quan trọng trong vụ kiện tranh chấp cấp phép bản quyền với Arm. Hôm 18/12, ngày thứ hai của phiên xét xử, ông có mặt tại tòa để trả lời các câu hỏi.
Kỹ sư bán dẫn trở thành mục tiêu tấn công của luật sư phía nguyên đơn, dồn ông vào thế chân tường. Tuy vậy, Gerard Williams kịch kịch liệt phản đối quan điểm thiết kế nhân Oryon là bản phái sinh kiến trúc Arm.
Tuyên bố gây chia rẽ của Arm
Ngày thứ hai của vụ kiện gây rúng động ngành bán dẫn có sự xuất hiện của ông Gerard Williams, một số chuyên gia phần cứng, Jonathan Weiser - Phó chủ tịch Cấp cao Qualcomm và giám đốc sản phẩm từ Arm.
Theo Tantra Analyst, luật sư phía nguyên đơn đã cố gắng thuyết phục rằng có mối quan hệ giữa thiết kế chip Qualcomm sử dụng và ALA (thỏa thuận sử dụng kiến trúc) được cấp cho Nuvia. Nhiều bằng chứng được đưa ra như các phần hợp đồng, email nội bộ, tin nhắn và các bản thuyết trình để chứng minh điều này.
Tantra Analyst cho rằng việc Arm khẳng định thiết kế chip tinh chỉnh trên nhân của họ trở thành “sản phẩm phái sinh” là quá đáng và có thể khiến tất cả đối tác phải rùng mình. Bởi điều này đồng nghĩa các hãng chip có cố cải tiến, nâng cấp bao nhiêu cho kiến trúc bộ xử lý, nó vẫn là công nghệ của Arm.
Ông Gerard Williams phản đối hoàn toàn quan điểm nêu trên. Người sáng lập Nuvia bác bỏ lập luận Nuvia cần sự chấp thuận của Arm để được chuyển nhượng cho Qualcomm. Vị này khẳng định trong các cuộc đàm phán ALA, Nuvia sở hữu toàn bộ công nghệ mà họ phát triển, độc lập với giải pháp từ Arm. Toàn bộ thiết kế, mạch chuyển đổi (RTL) cũng tách biệt.
Theo cựu kỹ sư Apple, khi chuyển giao sang Qualcomm, thiết kế chip đang trong giai đoạn phát triển. Do vậy, chúng không thể tương thích hay là bản phái sinh từ Arm.
Gerard Williams khẳng định kiến trúc Arm không phải bí mật, nó được công khai trên Internet, trừ bản mới nhất. Do vậy khi chuyển giao, họ đã làm đúng hợp đồng ALA, hủy toàn bộ tài liệu liên quan đến kiến trúc chưa được phát hành.
Vị này cũng lập luận rằng kiến trúc thô ARM không thể là công thức tạo ra vi xử lý. Do vậy, đội ngũ Qualcomm cần đến 300 kỹ sư (150 chuyên gia CPU và 150 người phụ trách hệ thống/SoC). Ông cũng khẳng định chỉ dưới 1% công nghệ Arm trong lõi Oryon đã được áp dụng.
Nhà thiết kế chip cho biết Nuvia ban đầu sử dụng TLA (Thỏa thuận Cấp phép Công nghệ) của Arm, nhưng sau đó chuyển sang xây dựng lõi riêng bằng ALA được cấp. Khi bán công ty cho Qualcomm, hai giấy phép nói trên đều đã hủy theo hợp đồng.
Ông Gerard cũng bác bỏ tuyên bố nhận được mức giảm giá 22 triệu USD khi Arm cấp phép cho Nuvia.
Diễn biến ngày đầu
Trong ngày đầu phiên tòa, Arm cáo buộc Qualcomm mua Nuvia với âm mưu giảm chi phí bản quyền. Giấy phép cấp cho start-up nói trên là dạng sử dụng kiến trúc, được quyền tùy chỉnh. Trong khi đó, Arm bán cho Qualcomm kiểu giấy phép TLA.
Dạng ALA không phổ biến trong ngành. Việc tùy chỉnh lõi CPU là quá trình dài kỳ và khó khăn, ít công ty dám đầu tư vì tỷ lệ thành công thấp. Chính Arm cũng công bố điều này trên website. ALA thường nằm ngoài tầm với của các công ty khởi nghiệp. Nhưng Nuvia lại khác.
Arm cho biết họ hỗ trợ ưu đãi cho Nuvia để khuyến khích áp dụng hệ sinh thái trong các sản phẩm trung tâm dữ liệu. Đây là lĩnh vực mà Arm còn yếu, chưa có thành tựu.
Trong khi đó, phía Qualcomm biện luận rằng họ không cần bản quyền kiến trúc, vì giấy phép của họ với Arm đã bao trùm phần nói trên. Hãng bán dẫn Mỹ cần thâu tóm Nuvia vì công nghệ của họ tốt hơn, trong khi Arm đang tụt hậu về hiệu suất. Một số điều khoản cũng được tiết lộ như hãng kiến trúc chip bán giấy phép cho Qualcomm đắt hơn 100-400%.
Về mặt lý thuyết, Qualcomm đã chấm dứt thỏa thuận ALA của Nuvia và Arm sau vụ thâu tóm, theo đúng thỏa thuận cấp phép trước đó. Tuy nhiên, đội ngũ mới vẫn tiếp tục phát triển chip cho máy tính, dựa trên nhân do hãng bán dẫn Anh cung cấp. Vấn đề gây tranh cãi là vi xử lý mới này có dùng công nghệ từ ALA đã bị hủy hay không.
Nguồn Znews: https://znews.vn/chong-ca-si-bich-tuyen-hau-toa-post1519136.html