Ông già Noel làm bằng vỏ trứng của thầy giáo về hưu
Dùng vật liệu từ vỏ trứng gà, vịt, cút,… thầy giáo về hưu Nguyễn Thành Tâm (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã mày mò chế thành mô hình ông già Noel, người Tuyết, cỗ xe tuần lộc nhân dịp lễ Giáng sinh.
Năm 2002, để minh họa cho bài giảng từ vựng về Giáng sinh trong môn Tiếng Anh, ông Tâm đã tự mày mò chế ông già Tuyết từ vỏ trứng cho học sinh dễ ghi nhớ. Từ đó, ngoài làm đồ vật về Noel, ông Tâm sáng tạo thêm những sản phẩm mỹ nghệ trong những chủ đề khác.
Bên cạnh ông già Noel là sản phẩm chính dịp Giáng sinh, ông Tâm sáng tạo thêm nhiều mô hình khác như người Tuyết, tuần lộc kéo xe, cây thông, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Vào các dịp đặc biệt khác, ông làm theo chủ đề như SEA Games, World Cup, Tết Nguyên đán, người nổi tiếng,… Ở tuổi 71, bộ sưu tập sản phẩm từ vỏ trứng của ông hiện nay đã lên đến hơn 1.000 sản phẩm.
Ngoài các vật liệu chính là vỏ trứng, ông Tâm thêm nhiều phụ kiện khác cho ông già Noel gồm kính, râu, nón, thắt lưng, túi quà,… Tất cả đều làm bằng vật liệu dễ kiếm như ống hút, khẩu trang, bông, dây kẽm, vải, đất sét.
Ông dùng keo dán hồ và keo 502 cố định hai vỏ trứng để tạo hình nhân vật, sau đó phun sơn đỏ lên vỏ trứng tạo hình đặc trưng của ông già Noel.
Ông Tâm thường sử dụng vỏ trứng vịt, gà, chim cút để tạo hình nhân vật. Trứng chim cút được dùng nước cốt chanh để tẩy các vết đen trên vỏ. Sau khi cẩn thận tách lòng trứng, vỏ sẽ được phơi nắng cho khô để bảo quản được lâu.
Ông già Noel từ vỏ trứng không có công thức cụ thể, mà tùy thuộc vào sự sáng tạo và thẩm mỹ người làm. Mỗi sản phẩm bình thường sẽ mất khoảng 3 - 4 giờ để hoàn thiện. Ông Tâm cho biết, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, từ đó ông phải rèn cho mình tính kiên nhẫn, bớt nóng vội.
Dịp Giáng sinh năm nay, ông Tâm làm chúa Giêsu và Đức mẹ Maria từ vỏ trứng vịt và trứng cút, trang trí trên bìa hộp xốp, ống hút, bìa giấy, vỏ trứng vụn và đèn lấp lánh. Trước khi bắt tay vào làm, ông Tâm dành thời gian nghiên cứu thông tin, hình ảnh những biểu tượng để làm sao cho giống thật nhất. Ông coi mỗi phẩm sản phẩm mới được làm ra là được học thêm một kiến thức, thông tin mới.
Các sản phẩm làm ra, ông giữ lại làm kỷ niệm là chủ yếu. Nếu có người đặt mua ông mới bán hoặc ai muốn học ông sẵn sàng truyền đạt cách làm. “Công việc này không đem lại thu nhập nhưng nó đem lại nguồn vui. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được tìm hiểu và sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới”, ông Tâm chia sẻ.