Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ thanh niên trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế; xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng, quỹ khởi nghiệp, giúp nhau lập nghiệp.

Đã qua, Ðoàn, Hội các cấp trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và việc làm cho ÐVTN, tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp; đồng thời, thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế. Ngoài ra, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, mô hình khởi nghiệp của thanh niên, các sản phẩm OCOP thông qua các phóng sự, website sanphamthanhniencm.vn trên trang fanpage Cửa hàng Thanh niên; tổ chức hoạt động kết nối sản phẩm thanh niên khởi nghiệp và trưng bày mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các địa phương; bồi dưỡng kiến thức về phương thức thành lập, duy trì hoạt động HTX, THT của thanh niên, phương thức tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của HTX. Phối hợp với Trung ương Ðoàn tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và năng lực chuyển đổi số cho thanh niên khởi nghiệp năm 2024 cho ÐVTN trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Ngọc Thuận, Phó bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: "Ðể hỗ trợ ÐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ đoàn đã hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng, quỹ khởi nghiệp, giúp nhau lập nghiệp; phối hợp tổ chức “Ngày hội việc làm”, “Sàn giao dịch việc làm" cho các đối tượng thanh niên được tiếp cận với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; chú trọng triển khai hoạt động phối hợp dạy nghề, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền”.

Phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cho ÐVTN như nuôi lươn; mô hình làm cổng cưới truyền thống bằng lá dừa; trồng màu, cây ăn trái kết hợp nuôi cá đồng; nuôi tôm thâm canh, nuôi chồn hương, nuôi ốc bươu đen; trồng bông súng kết hợp nuôi cá đồng; trồng hoa màu, làm khô bổi thương phẩm, nuôi cua thương phẩm; mô hình kinh doanh tập thể... Kết quả, phát triển được 58 mô hình hỗ trợ thanh niên, với hơn 167 ÐVTN tham gia; có 26 chi đoàn đã gây quỹ hùn vốn giúp nhau lập thân, lập nghiệp từ 3 triệu đồng trở lên, tổng số quỹ tính đến nay được 640 triệu đồng.

Ðồng hành với ÐVTN trong lập nghiệp, khởi nghiệp, thời gian qua Huyện đoàn U Minh đã xây dựng kế hoạch, rà soát trong lực lượng ÐVTN tại địa phương có nhu cầu vốn vay để phát triển kinh tế, hoặc cần hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng suất mô hình. Qua đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật và thị trường để ÐVTN làm kinh tế; kiểm tra, hỗ trợ các mô hình và nhân rộng khi đạt hiệu quả cao cho đoàn viên học tập.

Chị Quách Cẩm Tú, Phó bí thư Huyện đoàn U Minh, chia sẻ: “Huyện đoàn đã tổ chức ra mắt các CLB kinh tế như CLB Grab thanh niên, Nhóm nấu thanh niên, mô hình Cà phê khởi nghiệp kết nối nông sản. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện đoàn đã hỗ trợ 5 mô hình khởi nghiệp cho thanh niên từ các nguồn vốn khoa học công nghệ, quỹ giúp nhau lập nghiệp. Ngoài ra, hằng năm đều phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) huyện tổ chức các phiên giới thiệu việc làm, đặc biệt là giới thiệu cho bộ đội xuất ngũ về địa phương. Hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp đã mang lại hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác Ðoàn, Hội cơ sở”.

Cùng với các cấp bộ đoàn trong tỉnh, để tạo điều kiện cho ÐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Thới Bình đã phối hợp với ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, trao đổi về kinh nghiệm nuôi trồng thủy hải sản, trồng hoa màu, nuôi tôm, cua kết hợp, nuôi tôm, cua quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, nuôi tôm càng xanh, nuôi dế, cá bống tượng, nuôi gà H’mông, ba ba, cua đinh, cá sấu, ếch thịt, rắn, ốc bươu đen, trồng hoa màu, cải mầm, về mô hình buôn bán tạp hóa, điêu khắc gỗ, sản xuất nước lọc... Trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức tập huấn 90 cuộc, thu hút 3.700 lượt hội viên thanh niên tham gia. Qua đó, có nhiều hội viên áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, đã xây dựng được 125 mô hình, hiện tại có 70 mô hình thực hiện hiệu quả.

Anh Trần Ðăng Khoa (bên phải), Phó bí thư Tỉnh đoàn, tham quan mô hình khởi nghiệp nuôi rắn ri tượng của anh Trần Minh Ðăng, Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Anh Trần Ðăng Khoa (bên phải), Phó bí thư Tỉnh đoàn, tham quan mô hình khởi nghiệp nuôi rắn ri tượng của anh Trần Minh Ðăng, Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó bí thư Huyện đoàn Thới Bình, phấn khởi: “Phong trào thanh niên tự giúp nhau lập nghiệp được triển khai sâu rộng trong hội viên, thanh niên thông qua các hình thức hùn vốn, tạo việc làm, tự giúp nhau về cây giống, con giống, ngày công lao động..., qua đó kịp thời hỗ trợ thanh niên trong việc thực hiện các mô hình sản xuất, mô hình khởi nghiệp tại địa phương. Thành lập CLB khởi nghiệp với 18 hội viên tham gia, có 12/12 quỹ giúp nhau lập nghiệp các xã, thị trấn và 1 quỹ giúp nhau cấp huyện, với số tiền 180 triệu đồng, đã hỗ trợ 26 mô hình. Trong đó, 10 mô hình phát triển hiệu quả; 2 đang phát triển có hiệu quả; 9 mô hình phát triển kém hiệu quả do ảnh hưởng về con giống, đầu ra của mô hình... Phong trào giúp nhau lập nghiệp thông qua việc giúp đỡ nhau về cây, con giống, ngày công, góp vốn xoay vòng, có 224 hội viên thanh niên tham gia hỗ trợ lẫn nhau”.

Cũng trong nhiệm kỳ qua, công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên được ủy ban hội các cấp quan tâm. Ủy ban Hội huyện Thới Bình đã phối hợp với Phòng LÐ-TB&XH huyện, Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Ðại học Bạc Liêu và Trường Ðại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau... tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện; kết hợp với các ngành tổ chức dạy nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên... Qua đó, góp phần định hướng trong việc chọn ngành nghề và việc làm phù hợp cho mỗi bạn trẻ. Tư vấn, hướng nghiệp 5.561 học sinh tham gia, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 2.095 thanh niên và giới thiệu được 1.048 thanh niên đi lao động trong và ngoài tỉnh.

“Thông qua các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp đã thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp được lan tỏa, trong đó chú trọng giúp thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế để ÐVTN tích cực hưởng ứng tham gia. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Ðoàn - Hội trong đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, anh Nguyễn Ngọc Thuận khẳng định./.

Quỳnh Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dong-hanh-cung-thanh-nien-lap-nghiep-a34624.html