Ông Joe Biden gặp khó trước ngày nhậm chức
Việc sớm có đội ngũ nhân sự cao cấp đóng vai trò quan trọng bởi ông Joe Biden phải đối mặt một loạt nhiệm vụ đầy thách thức ngay khi nắm quyền
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra lời kêu gọi đoàn kết quốc gia trong bài diễn văn phát biểu khi tuyên thệ nhậm chức trong ngày 20-1. Đó là tiết lộ của ông Ron Klain, người sẽ là Chánh Văn phòng sắp tới của ông Joe Biden, khi trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 17-1.
"Đó là thông điệp về việc đưa nước Mỹ tiến lên phía trước. Thông điệp về sự đoàn kết. Thông điệp về hoàn thành các công việc" - ông Klain cho biết. Cũng theo ông này, nước Mỹ vừa trải qua 4 năm chia rẽ nhất dưới thời Tổng thống Donald Trump và những sự kiện trong vài tuần qua nêu bật tầm quan trọng của công việc khôi phục "linh hồn" nước Mỹ, bắt đầu ngay từ ngày 20-1.
Dù vậy, không dễ để ông Biden hiện thực hóa thông điệp nói trên, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát các cuộc biểu tình bạo lực theo sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6-1. Riêng thủ đô Washington trở thành pháo đài trước ngày nhậm chức của ông Biden với sự hiện diện của ít nhất 25.000 thành viên Vệ binh Quốc gia để bảo đảm an ninh.
Một trong những khó khăn tức thì là ông Biden sẽ lên nắm quyền mà không có thành viên chủ chốt nào của nội các được phê chuẩn trong ngày ông nhậm chức.
Theo đài CNN, điều này xuất phát từ việc Thượng viện, hiện vẫn do Đảng Cộng hòa kiểm soát, chậm tiến hành các buổi điều trần về những đề cử nhân sự cao cấp của ông Biden. Những lý do khác là tác động của vụ bạo loạn nói trên và đại dịch Covid-19. Phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra tại Thượng viện đe dọa khiến tiến trình xác nhận nhân sự thêm chậm. Dù vậy, thời gian biểu này có thể được đẩy nhanh một khi Đảng Dân chủ chiếm thế đa số tại Thượng viện với sự tuyên thệ nhậm chức của hai thượng nghị sĩ vừa thắng trong cuộc bầu cử tại bang Georgia và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Trong đợt điều trần đầu tiên dự kiến diễn ra ngày 19-1, bị "soi" là ứng viên cho các vị trí Bộ trưởng Quốc phòng (Lloyd Austin), Bộ trưởng An ninh Nội địa (Alejandro Mayorkas), Ngoại trưởng (Antony Blinken) và Bộ trưởng Tài chính (Janet Yellen). Lịch trình này càng thêm bận rộn sau khi Ủy ban Tình báo Thượng viện dời thời điểm tiến hành phiên điều trần đầu tiên đối với bà Avril Haines, người được đề cử làm Giám đốc Tình báo quốc gia từ ngày 15 đến 19-1.
Đến 2 ngày 21 và 27-1, lần lượt ứng viên Bộ trưởng Giao thông Vận tải (Pete Puttigieg) và ứng viên Bộ Các vấn đề cựu binh (Dennis McDonough) ra điều trần. Thượng viện hiện chưa có kế hoạch tiến hành điều trần đối với các ứng viên còn lại nhưng điều này có thể thay đổi trong thời gian tới.
Thời gian biểu nói trên khiến chính quyền ông Biden chắc chắn không có nhân sự cao cấp nào trong những ngày đầu làm việc, tức chậm hơn đáng kể so với những lần chuyển giao quyền lực trước đó. Để so sánh, ông Trump có 2 thành viên nội các được xác nhận vào thời điểm nhậm chức. Với Tổng thống Barack Obama, con số này là 6.
Giới chuyên gia nhận định việc sớm có đội ngũ nhân sự cao cấp đóng vai trò quan trọng bởi ông Biden phải đối mặt một loạt nhiệm vụ đầy thách thức ngay khi nắm quyền, như chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, xử lý các mối đe dọa an ninh quốc gia… Trong lúc chờ Thượng viện bật đèn xanh đối với các đề cử trên, theo đài NPR, ông Biden dự định bổ nhiệm người tạm đứng đầu các bộ quan trọng (Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp…) để bảo đảm việc chuyển giao quyền lực diễn ra êm thấm.
Nỗi lo an ninh khác thường
Giới chức quốc phòng Mỹ hôm 17-1 bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công từ bên trong và những mối đe dọa khác liên quan đến lực lượng an ninh bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến diễn ra 3 ngày sau đó, buộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kiểm tra toàn bộ 25.000 thành viên Vệ binh Quốc gia đến thủ đô Washington vì sự kiện này.
Theo trang Politico, động thái trên phản ánh những nỗi lo an ninh khác thường đang bao phủ Washington theo sau vụ tấn công nhằm vào Điện Capitol hôm 6-1. Nó còn cho thấy nỗi sợ liên quan đến kịch bản một vài cá nhân được giao nhiệm vụ bảo vệ Washington trong những ngày tới lại trở thành mối đe dọa đối với ông Biden và những nhân vật quan trọng tham dự sự kiện trên. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy hôm 17-1 kêu gọi các chỉ huy quân đội đề phòng mọi vấn đề trong hàng ngũ của họ khi lễ nhậm chức đang đến gần.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch ban khoảng 100 lệnh ân xá và giảm án trong ngày 19-1. Ông Trump được cho là đã thảo luận với các cố vấn của mình về kịch bản tự ân xá song một vài quan chức trong chính quyền đã khuyên ông đừng làm như vậy vì động thái này khiến ông "trông như có tội". Nguồn tin trên còn tiết lộ về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và các cố vấn vào ngày 18-1 để hoàn tất danh sách cho đợt ân xá và giảm án cuối cùng, trước khi nhiệm kỳ của ông chính thức kết thúc vào lúc 12 giờ ngày 20-1 (giờ địa phương).
Theo đài CNN, đây là một trong nhiều vấn đề Tổng thống Trump phải giải quyết trước khi ông Biden lên nắm quyền. Giới chức Nhà Trắng đến bây giờ vẫn chuẩn bị các sắc lệnh và bản thân ông Trump vẫn hy vọng về việc giải mã thông tin liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Tổng thống Trump sẽ không dự lễ nhậm chức của ông Biden mà rời Nhà Trắng vào sáng 20-1 để đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình ở bang Florida.