Ông Kim Bành - Phát triển dịch vụ phục vụ lễ hội của đồng bào Khmer
Niềm đam mê đã trở thành động lực giúp ông Kim Bành, ở ấp Leng, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú theo đuổi nghề tạo sản phẩm mặt nạ như mặt nạ khỉ, Chằng, Sa Dăm phục vụ trong các lễ hội của đồng bào Khmer. Anh 'bén duyên' với nghề chế tác mặt nạ khi còn là câu bé lên mười qua những lần tham gia múa Chằng, múa Khỉ cùng Đội múa Sa Dăm phục vụ trong những ngày lễ hội ở địa phương.
Do có sở thích nghề chế tác mặt nạ từ nhỏ nên ông Kim Bành cũng là người luôn tìm tòi để có thêm hiểu biết về điệu múa Chằng và Khỉ. Năm 2005 sau khi có nhiều khách hàng và học viên đến tìm hiểu về chế tác mặt nạ và xin học các điệu múa Chằng, múa Khỉ, múa Sa Dăm… ông Kim Bành mở lớp dạy nghề các điệu múa khỉ, Chằng cơ bản và có gần 500 lượt học viên ở các địa phương đến học nghề. Ông còn vận động các thiếu nữ trong dòng họ thành lập được đội múa Sa Dăm nữ và đã tham gia biểu diễn giao lưu văn hóa ở nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh.
Ông Kim Bành cho biết: tham gia hoạt động văn hóa, mong muốn lớn nhất của tôi là bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của người xưa để lại, nên mỗi khi có người thuê Đội múa biểu diễn, tôi không đòi hỏi giá cao, chỉ cần được phục vụ là vui rồi. Khi ở các chùa đến thuê Đội múa, tôi không ra giá, chùa gửi thù lao bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu và không gửi cũng không sao.
Hiện nay trong gia đình của ông Kim Bành có các loại mặt nạ, trang phục, dụng cụ trang trí cho các mùa lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer khá đa dạng, đảm bảo đủ loại mặt hàng cho người có nhu cầu thuê. Chỉ tính riêng trong kỳ lễ Kathina cuối năm 2023 ông nhận phục vụ gần 30 đám. Và, Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây vừa qua, ông cũng phục vụ trong lễ diệu hành Đại lịch, kinh Tam tạng ở nhiều chùa trên địa bàn tỉnh.
Ông Mã Trung Tâm, Trưởng Ban nhân dân ấp Leng cho biết: ông Kim Bành là người góp phần cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khmer trên địa bàn ấp. Ông luôn chịu khó tìm tòi và tự chế được nhiều dụng cụ, mặt nạ mang nét truyền thống dân tộc Khmer.
Song song đó, ông còn mở được nhiều lớp dạy múa Chằng, múa Khỉ và tập hợp được nhiều thanh thiếu niên dân tộc Khmer tham gia vào đội múa, giúp họ có nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh và tránh xa các tệ nạn xã hội.
Bài, ảnh: Sốc Kha - Sâm Bát