Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE lên tiếng trước đề nghị từ chức
Tổng Giám đốc HoSE cho biết, việc thay đổi hệ thống giao dịch để nâng cao năng lực là quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư. HoSE đã và đang làm tất cả những gì có thể vì lợi ích chung của thị trường.
2 ngày qua, VN-Index lần lượt giảm mạnh gần 15 điểm và gần 39 điểm, mất đi thành quả 6 phiên tăng điểm trước đó. Hầu hết cổ phiếu trên thị trường đều điều chỉnh, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép bị chốt lời... sau thời gian tăng nóng trước đó. Riêng cổ phiếu rổ VN30 hôm qua (ngày 8/6) có đến 26 mã ngập trong sắc đỏ.
Ngoài tâm lý chốt lời, cắt lỗ, việc nghẽn lệnh, loạn bảng giá cũng như không thể hủy, sửa lệnh trên sàn HoSE từ ngày 2/6 được cho rằng đã ảnh hưởng đến kết quả giao dịch.
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) cho biết, khi nhìn bảng điện tử họ không thể đọc được diễn biến thực tế, không ít người phải đặt lệnh MP để bán bằng mọi giá, khiến thị trường lao dốc.
Bảng điện tử bị loạn giá, không ít nhà đầu tư phải đặt lệnh MP để bán bằng được
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục dùng lệnh MP, điểm số của VN-Index sẽ tiếp tục “bốc hơi”. Chịu thiệt hại nặng nề, trên một số diễn đàn, NĐT bày tỏ bức xúc cho rằng lãnh đạo sàn HoSE phải chịu trách nhiệm và có lời giải thích, thậm chí từ chức để "làm gương".
Trả lời PV báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Hải Trà (Tổng Giám đốc HoSE) cho biết, sàn HoSE bị quá tải từ cuối tháng 12 năm ngoái do tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Theo thống kê của Liên đoàn các sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), các thị trường chứng khoán tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng giao dịch khoảng gần 60% trong năm 2020.
Tại HoSE, giá trị giao dịch đầu năm 2020 chỉ ở khoảng 3,8 nghìn tỷ, đến tháng 12/2020 bình quân đạt khoảng 12,7 nghìn tỷ. Thời điểm quá tải gây nghẽn lệnh đạt 15-16 nghìn tỷ.
Tháng 5/2021 vừa qua, giá trị giao dịch trên HoSE đạt mức 22,4 nghìn tỷ, làm trầm trọng thêm mức độ quá tải, dẫn đến tình trạng hệ thống xử lý chậm, trễ.
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE lên tiếng trước đề nghị từ chức (nguồn ảnh: HoSE)
Để giải quyết tình trạng quá tải, ông Trà cho biết HoSE đã nỗ lực duy trì hoạt động của hệ thống dưới áp lực cao. Sàn này đã thực hiện việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100; vận động doanh nghiệp niêm yết chuyển giao dịch ra sàn HNX để giảm tải; phối hợp với FPT triển khai hệ thống giao dịch mới, dự kiến hoàn thành cuối tháng 6 năm nay để giải quyết triệt để tình trạng quá tải.
“Việc thay đổi hệ thống giao dịch để nâng cao năng lực là quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư”, ông Trà nhấn mạnh.
Về việc tạm dừng sửa, hủy lệnh của các tài khoản chứng khoán hiện nay, theo ông Trà là nỗ lực vì lợi ích chung của thị trường. Nỗ lực này đã giúp tăng hiệu quả của quá trình khớp lệnh, giảm tỷ lệ sửa, hủy từ khoảng 33,5% xuống dưới 8%.
Đồng thời, động thái này còn mang lại thêm cơ hội khớp lệnh thành công cho NĐT (thay vì lãng phí cho việc sửa, hủy), góp phần nâng cao thanh khoản thị trường vượt mức 30 nghìn tỷ trong một số ngày vừa qua.
“HoSE đã và đang làm tất cả những gì có thể vì lợi ích chung của thị trường. Lãnh đạo HoSE chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền”, ông Trà nêu.