Ông Lê Minh Hưng: Lựa chọn khoảng 5% cán bộ có trình độ khoa học công nghệ tham gia cấp ủy
Theo ông Lê Minh Hưng, Chỉ thị số 45 bổ sung, điều chỉnh phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5% tham gia cấp ủy.
Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề về "Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030".

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.
Đề cập đến những điểm mới của Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ông Lê Minh Hưng cho biết Chỉ thị số 45 cơ bản kế thừa những nội dung còn phù hợp đã nêu trong Chỉ thị số 35 và Kết luận số 118, đồng thời điều chỉnh bổ sung một số nội dung mới.
Cụ thể, Chỉ thị số 45 đã bổ sung nội dung bối cảnh, tình hình Đại hội XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Một điểm mới khác tại Chỉ thị số 45 được ông Lê Minh Hưng đề cập là yêu cầu về công tác nhân sự phải chú trọng phát hiện, lựa chọn giới thiệu những cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ để tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Về nội dung đại hội, ông Lê Minh Hưng cho biết, Chỉ thị số 45 quy định với những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội) thì đại hội với 2 nội dung.
Gồm: tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp.
"Các đảng bộ này không bầu Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; không bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định Ban chấp hành, Ban thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ khóa mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập, ông Lê Minh Hưng cho hay nếu đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, thì: tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định; căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm theo đúng quy định.
Về việc hoàn thiện dự thảo văn kiện mới đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sáp nhập, hợp nhất, Chỉ thị số 45 yêu cầu thực hiện theo kế hoạch hướng dẫn tại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.
Ông Lê Minh Hưng cho biết, sau khi Hội nghị Trung ương 11 thông qua dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng khẩn trương hoàn thiện dự thảo 4 văn kiện gửi tới các đảng bộ cấp tỉnh để làm cơ sở cho địa phương nghiên cứu, tham gia đóng góp với Trung ương từ những vấn đề thực tiễn.
"Quan trọng hơn, các dự thảo văn kiện đã được cập nhật, bổ sung quan điểm, tư tưởng chỉ đạo rất mới. Sẽ là cơ sở để các cấp ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo văn kiện của cấp mình", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Về tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ 2025-2030, Chỉ thị số 45 điều chỉnh quy định thời gian giữ chức vụ đối với cán bộ được giới thiệu để bầu các chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 1 năm.
Trường hợp đặc biệt thì giao cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
"Giao ban thường vụ cấp tỉnh căn cứ tiêu chuẩn chung, quy định liên quan và đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tiễn của địa phương để cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy viên, Ủy viên ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã mới", ông Lê Minh Hưng nêu.
Về độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội), Chỉ thị số 45 bổ sung, điều chỉnh thời điểm thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy (là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp) đối với đảng bộ các xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh là tháng 7/2025.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026, đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XVI là tháng 3/2026.
"Độ tuổi tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp (tăng 18 tháng so với Chỉ thị số 35). Trường hợp đặc biệt đối với Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 42 tháng trở lên. Trường hợp đặc biệt tái cử cấp ủy trong công an phải còn tuổi công tác từ 30 tháng trở lên đến dưới 48 tháng", ông Lê Minh Hưng nói.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị- xã hội) nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 36 tháng trở lên.
Độ tuổi tái cử Ủy ban kiểm tra các cấp định hướng phải còn thời gian công tác ít nhất 42 tháng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Về cơ cấu, số lượng cấp ủy, Ủy viên thường vụ và Phó Bí thư cấp ủy các cấp, Chỉ thị số 45 bổ sung, điều chỉnh phấn đấu tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ khoảng 5% tham gia cấp ủy; các đảng bộ hợp nhất, sáp nhập không nhất thiết phải thực hiện đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong nhiệm kỳ.
"Với cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ, tới đây Ban Tổ chức Trung ương sẽ có hướng dẫn để cho các cấp ủy làm cơ sở bố trí", ông Lê Minh Hưng thông tin.
Chỉ thị số 45 cũng quy định, với địa phương hợp nhất, sáp nhập, giữ số lượng Ban chấp hành, Ban thường vụ, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2025-2030 như số lượng được chỉ định tại thời điểm sau hợp nhất, sáp nhập nhiệm kỳ 2020-2025 (trừ các cán bộ không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác khác hoặc có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi).
Chỉ thị nêu rõ sẽ thực hiện giảm dần số lượng trong thời gian 5 năm sau khi hợp nhất, sáp nhập, đến nhiệm kỳ 2030 - 2035 số lượng cấp ủy sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị...