Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 11

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung là hai nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách phải tập trung thực hiện ngay sau Hội nghị này đến hết năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: TTXVN

Sáng 16-4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập Hội nghị toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện những chủ trương, quyết sách quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tới cấp xã và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. KTSG Online xin lược trích một số nội dung quan trọng của bài phát biểu nói trên.

Cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc rất lớn

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12-4-2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung là 2 nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau Hội nghị này đến hết năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trực tiếp quán triệt 3 chuyên đề là những nội dung cốt lõi của Hội nghị Trung ương 11 và các văn bản triển khai thực hiện, nhất là Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị thay thế Chỉ thị 35 về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới; Kế hoạch số 47-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18 về phân công trách nhiệm triển khai thực hiện với 121 nhóm công việc gắn với thời gian phải hoàn thành được tính theo từng ngày.

Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ như vậy, tôi nhấn mạnh thêm 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Ba yêu cầu chung

(1) Phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một "cuộc cách mạng" về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài", phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng "quyền anh, quyền tôi", địa phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì Nhân dân.

(2) Triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan, và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào.

Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng như: Trước ngày 30-6-2025, phải hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15-8-2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1-9-2025. Hoàn thành đại hội đảng tại cấp xã trước ngày 31-8-2025; hoàn thành đại hội cấp tỉnh trước ngày 31-10-2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quí 1-2026; Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3-2026.

(3) Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các quy trình, thủ tục lấy ý kiến Nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã. Vận động, tuyên truyền trong Nhân dân, chịu sự giám sát, đóng góp của nhân dân, tạo sự đồng tình, hưởng ứng triển khai thực hiện của nhân dân.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bốn vấn đề cần lưu ý

Một là, về thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài; Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương.

Nội dung các hướng dẫn đã đầy đủ, tôi nhấn mạnh thêm 3 vấn đề cần tiếp tục quán triệt sâu sắc là:

(1) Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Là cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

(2) Tinh thần thực hiện phải quyết liệt, khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng", "không được để gián đoạn công việc", "bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ"; lộ trình thực hiện phải bài bản, khoa học, bảo đảm đúng Điều lệ Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương; mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, bảo đảm tầm nhìn xa, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp cho phát triển đất nước.

(3) Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Cần lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng:

(1) Sáp nhập các xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ" dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã.

(2) Sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả. Đây là những vấn đề tôi đề nghị ban thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý nhất.

Hai là, về công tác cán bộ. Diện cán bộ thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng trong đợt sắp xếp này rất lớn. Chủ trương chung của chúng ta là trước mắt cơ bản bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể) cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như hiện có để bảo đảm ổn định; sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế của từng cấp trong tổng thể biên chế chung của cả hệ thống chính trị.

Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ "đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng" để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi.

Ba là, về văn kiện đại hội đảng các cấp. Dự thảo 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 đã bổ sung nhiều nội dung rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới trong phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt đầy đủ với các đồng chí những nội dung này, nhất là những vấn đề cốt lõi như: "xác lập mô hình tăng trưởng mới"; "xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới" "đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia"; phát triển kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"…

Bốn là, về triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 cùng lúc với thực hiện các công việc lớn quan trọng của đất nước. Chúng ta quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là "cuộc chiến thuế quan toàn cầu" đặt ra nhiều thách thức mới, song cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định mình.

Chúng ta đã và đang tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua với nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng; Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) với 46 quốc gia và hơn 1.000 đại biểu quốc tế tham dự, những sự kiện này tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế.

Các tỉnh ủy, thành ủy cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế mà 19 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ ra, đặc biệt là khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo, cán bộ có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng sắp xếp tổ chức nên hạn chế tính quyết liệt trong triển khai công việc.

Nguyên Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-trien-khai-nghi-quyet-hoi-nghi-tw-11/