Ông lớn địa ốc nhập cuộc đua nhà ở xã hội
Trong bối cảnh thị trường vẫn đầy rẫy khó khăn, thay vì ôm đồm quá nhiều dự án, không ít ông lớn ngành bất động sản đang chủ động tập trung nguồn lực vào các mục tiêu ngắn và trung hạn, đặc biệt là nắn dòng tiền vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Thời gian qua, phân khúc nhà ở xã hội tại nhiều khu vực trên cả nước đã có dấu hiệu sôi động khi hàng loạt doanh nghiệp địa ốc, trong đó có những “ông lớn” vốn chỉ làm dự án cao cấp, đã gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn.
Tích cực nắn lại dòng tiền
Điển hình, tại Bình Dương, đại diện lãnh đạo Becamex cho hay doanh nghiệp đã thực hiện trên 45.000 căn hộ vừa là nhà ở công nhân, vừa là nhà ở xã hội, cho hay trong năm 2024 sẽ ưu tiên khởi công 10.000 căn nhà ở xã hội tại địa phương.
Tương tự, tập đoàn bất động sản Bcons cũng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công dự án khu nhà ở xã hội Thống Nhất với quy mô gần 2.500 căn hộ, mức giá bán dự kiến chỉ khoảng 700 triệu đồng/căn, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 9/2024 và ra mắt đợt đầu tiên vào đầu năm 2025.
Hàng loạt ông lớn ngành bất động sản khác cũng đang đẩy mạnh chuyển hướng dòng vốn sang phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, thay vì dồn lực “chạy đua vũ trang” tại phân khúc trung và cao cấp vốn đang lâm vào cảnh dư thừa, thậm chí bão hòa ở nhiều khu vực.
Điển hình như Phát Đạt (PDR) dự kiến tung ra thị trường dự án nhà ở phức hợp mới tại Bình Dương, với khoảng gần 2.700 căn hộ, shophouse. “Công ty sẽ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực của khách hàng để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất của thị trường”, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt, nhấn mạnh về chiến lược sắp tới của đơn vị.
Thị trường "lệch pha", thiếu hụt sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, dẫn tới khủng hoảng niềm tin cũng là những thách thức mà ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đặc biệt lo ngại. Đây là lý do NLG sẽ nắn dòng tiền vào phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực.
Hay như Novaland (NVL) đã bắt tay với “trùm” nhà ở xã hội Địa ốc Hoàng Quân để phát triển dòng sản phẩm đang được rất nhiều người mua nhà chờ đợi này. Dự kiến trong năm 2024, 2 bên có thể bàn giao 3.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa phương, đồng thời cùng triển khai nghiên cứu phát triển dự án nhà ở xã hội mới thuộc quỹ đất hiện có của NVL.
Chờ động lực từ luật mới
Không chỉ những nhà đầu tư “lắm tiền, nhiều của”, nhiều doanh nghiệp địa ốc tầm trung cũng đang dành sự quan tâm đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực, với mức giá vừa tầm tay hơn.
Trao đổi với Vnbusiness, ông Quân, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 450 căn hộ tại Hà Nội cho hay, trong bối cảnh mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên, khi đa số những gia đình có nhu cầu ở thực đang rơi vào tình thế khó, thì buộc các chủ đầu tư phải điều chỉnh lại dòng vốn, hướng vào những sản phẩm có giá vừa túi tiền hơn.
“Kể từ năm 2021, 90% dự án của chúng tôi xoáy vào các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, phục vụ cho đa số. Cụ thể là sản phẩm nhà ở, mà tâm điểm là những căn hộ có chất lượng “chấp nhận được” và trong tầm chi trả của khách hàng, trong đó có những người trẻ tuổi, tích lũy tài chính chỉ vài trăm triệu đồng”, vị đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Thực tế, kể từ 3-5 năm trước, không ít doanh nghiệp đã bước vào đường đua xây nhà ở vừa túi tiền, như Hưng Thịnh, Vingroup, Sungroup, Him Lam, Becamex… Điển hình như vào năm 2022, Vinhomes đặt mục tiêu hoàn thành 500 nghìn căn nhà ở xã hội, và đến nay ông lớn này đã khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội ở miền Bắc và miền Trung.
Có thể thấy, phân khúc nhà ở vừa túi tiền đang ở trong thời điểm “thiên thời, địa lợi”, cùng sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nếu có thêm các chính sách hỗ trợ tốt, khả năng tăng nguồn cung nhà ở bình dân từ đó giải “cơn khát” của người dân là hoàn toàn khả thi.
Trước mắt, các chuyên gia đang chờ đợi quy định tại các luật mới gồm Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sẽ tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc, trong đó có nhà ở xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành nhìn nhận hiện tại, doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin hỗ trợ. Những quy định trên trước nay vẫn được coi như “nút thắt” khiến dự án chậm tiến độ, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài.
"Luật mới ban hành đưa ra quy định miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng và thuê đất ngay từ đầu, đó là điểm cực mạnh, giúp gỡ vướng cho chủ đầu tư, tăng tốc dự án nhà ở xã hội", ông Lê Hữu Nghĩa nhìn nhận.
Không chỉ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, việc Luật Nhà ở (sửa đổi) nới điều kiện cho người mua, như tăng mức thu nhập từ 11 lên 15 triệu đồng/tháng, đồng thời chưa sở hữu bất động sản tại tỉnh, thành phố nơi có dự án, sẽ được nhận hỗ trợ vay mua, thuê nhà ở xã hội… cũng sẽ tạo điều kiện cân bằng cung cầu cho loại hình này.
Cùng với đó, khoản 5, Điều 77 Luật Nhà ở cũng cho phép các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhờ đó, khắc phục được bất cập của khoản 4, Điều 50 Luật Nhà ở 2014 – không cho phép các tổ chức tín dụng này cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 cũng đã bãi bỏ điều kiện cư trú, Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập, quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Việc hàng loạt các nút thắt được tháo gỡ đang giúp niềm tin của doanh nghiệp tăng lên. “Nhiều chủ đầu tư lớn tham gia sẽ giúp phân khúc này có sức sống hơn, nguồn cung theo đó cũng được kỳ vọng tăng”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đánh giá.