'Ông lớn' ngân hàng rao bán loạt bất động sản khu du lịch để thu hồi nợ

Vietinbank và Vietcombank mới đây vừa thông báo rao bán loạt bất động sản tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Có nơi dù rao bán lần đầu 'ế' nhưng lần 2 ngân hàng vẫn tăng giá lên cao đến hàng chục tỷ đồng.

Loạt khách sạn, biệt thự 3-5 sao cùng resort được rao bán

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này chủ yếu là bất động sản tại phần lớn địa điểm du lịch như TP. Hội An, TP. Đà Nẵng hay tỉnh Khánh Hòa.

Tính riêng TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Vietinbank đã rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và biệt thự, khách sạn 3-4 sao và nhà hàng trị giá từ 12 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng.

Theo đó, một khách sạn 4 sao có diện tích hơn 1.737 m2, diện tích xây dựng là hơn 3.095 m2, gồm 48 phòng được rao bán với giá 240 tỷ đồng; khách sạn 4 sao khác có diện tích đất 9.057,3m2; diện tích xây dựng 8.876,7m2; gồm 98 phòng được bán với giá 420 tỷ đồng.

Các ngân hàng đều đẩy mạnh xu hướng rao bán bất động sản để xử lý và thu hồi nợ.

Các ngân hàng đều đẩy mạnh xu hướng rao bán bất động sản để xử lý và thu hồi nợ.

Các biệt thự, khách sạn cùng homestay 3 sao tại ở TP. Hội An cũng được rao bán từ 33-40 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietinbank cũng rao bán loạt bất động sản tại thành phố du lịch khác là Đà Nẵng. Cụ thể, nhà băng này bán khách sạn 5 sao có diện tích 1.220m2 với giá 600 tỷ đồng. Các bất động sản khu du lịch khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cũng được Vietinbank mang ra bán để thu hồi nợ.

Trong đó, đáng chú ý là thửa đất tại khu dân cư An Cư 4, khoảng 1.070m2 có giá 83,5 tỷ đồng, được ngân hàng giới thiệu đối diện là công viên Cá Voi và bãi tắm Mỹ Khê, tập trung nhiều khách sạn, kinh doanh nhộn nhịp và giao thông thuận lợi. Hiện tại đang cho nhà hàng Lê Gia 1 thuê để kinh doanh đồ hải sản.

Còn tại Khánh Hòa, “ông lớn” Vietinbank cũng rao bán quyền sử dụng đất có diện tích 228 m2 và toàn bộ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có diện tích xây dựng 75 m2 tại lô C-13D, khu du lịch sinh thái Prime - Prime Resorts and Hotels tại huyện Cam Lâm. Mức giá mà ngân hàng rao bán cho lô tài sản này là 31,3 tỷ đồng.

Một bất động sản khu du lịch khác cũng được VietinBank rao bán là khu resort ở Bình Thuận với giá 42,4 tỷ đồng. Theo đó, tài sản rao bán là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất có diện tích 4.538 m2. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời hạn sử dụng đến ngày 22/6/2053.

Theo đại diện ngân hàng Vietinbank, nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Hiện trạng tài sản trên đất là khu resort Feng Shui thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.

Trước đó, “ông lớn” ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng ra thông báo phát mại tài sản đảm bảo là khu resort Mỹ Khê của CTCP Du Lịch Quảng Ngãi.

Giá khởi điểm lần này được Vietcombank đưa ra là gần 39,8 tỷ đồng, tăng 9,3 tỷ đồng so với giá rao bán lần đầu tiên vào tháng 8/2022 với 30,5 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết, khu resort này gắn liền với thửa đất số 65, tờ bản đồ số 8 tại xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, với tổng diện tích rộng gần 3.700 m2. Đây là lô đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2042. Nguồn gốc sử dụng do Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Tài sản gắn liền với lô đất trên gồm khu nhà hàng một tầng rộng 420 m2, khu nhà hàng hai tầng rộng 217 m2, nhà nghỉ 425 m2, nhà bảo vệ 19 m2 và khu nhà vệ sinh 85,7 m2.

Tài sản đảm bảo không chỉ giới hạn ở bất động sản

Hiện nay, các ngân hàng đều đẩy mạnh xu hướng rao bán bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhằm tăng cường xử lý, thu hồi nợ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), thực trạng nợ xấu của các ngân hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn.

“Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng”, ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

Theo Tổng thư ký VNBA, một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Theo đó, bàn về sự cần thiết của nghiên cứu các quy định của xử lý nợ xấu, ông Phan Đức Hiếu - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chúng ta không thiếu quy định nhưng cần có quy định đặc biệt, đặc thù và cần cơ chế gia tăng hiệu quả xử lý vấn đề.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần làm rõ bản chất xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ, nhưng không nên giới hạn ở chỉ mỗi bất động sản mà phải mở rộng hơn nữa.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/apos-ong-lon-apos-ngan-hang-rao-ban-loat-bat-dong-san-khu-du-lich-de-thu-hoi-no-1093613.html